Trung Quốc mời quốc tế hợp tác trong sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)| 03/10/2023 16:29

Tại Đại hội Du hành Vũ trụ Quốc tế đang diễn ra tại Baku của Azerbaijan, CNSA mời hợp tác quốc tế liên quan sứ mệnh Hằng Nga 8 (Chang'e-8 ) thám hiểm Mặt Trăng, dự kiến được triển khai vào năm 2028.

Trung Quoc moi quoc te hop tac trong su menh tham hiem Mat Trang hinh anh 1Hình ảnh minh họa. Tàu Hằng Nga 5 hạ cánh xuống Mặt Trăng. (Nguồn: CNSA)

Ngày 2/10, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) ra thông báo mời hợp tác quốc tế liên quan sứ mệnh Hằng Nga 8 (Chang'e-8 ) thám hiểm Mặt Trăng, dự kiến được triển khai vào năm 2028.

Tân Hoa Xã dẫn thông cáo của CNSA nêu rõ sứ mệnh Hằng Nga 8 sẵn sàng chào đón tất cả các nước và tổ chức quốc tế hợp tác ở cấp độ sứ mệnh, hệ thống hoặc máy móc thiết bị.

CNSA cũng đã công bố lời mời hợp tác này tại Đại hội Du hành Vũ trụ Quốc tế đang diễn ra tại Baku của Azerbaijan.

CNSA nhấn mạnh sứ mệnh Hằng Nga 8 bao gồm nhiều nghiên cứu và phát hiện địa chất Mặt Trăng, quan sát Trái Đất từ Mặt Trăng, phân tích các mẫu lấy từ Mặt Trăng và một thí nghiệm hệ sinh thái khép kín trên bề mặt Mặt Trăng.

Hợp tác quốc tế cho sứ mệnh Hằng Nga 8 sẽ ưu tiên các hoạt động có tính "tương tác" giữa tàu vũ trụ với tàu vũ trụ, thăm dò chung, phối hợp phát triển robot có khả năng vận hành cơ bản trên bề mặt của Mặt Trăng, cũng như các dự án khoa học mang tính sáng tạo cao.

[Trung Quốc công bố dữ liệu nghiên cứu về Sao Hỏa và Mặt Trăng]

Thời hạn chót đăng ký tham gia hợp tác quốc tế trong sứ mệnh Hằng Nga 8 là ngày 31/12/2023. Kết quả lựa chọn sơ bộ dự kiến hoàn tất vào tháng 4/2024 và xác nhận lựa chọn cuối cùng vào tháng 9/2024.

Tàu thám hiểm Hằng Nga 8 sẽ cùng tàu Hằng Nga 7 tạo thành mô hình cơ bản của một trạm nghiên cứu Mặt Trăng. Tàu thăm dò Hằng Nga 7 dự kiến sẽ được phóng lên vũ trụ vào khoảng năm 2026 để thực hiện hoạt động thăm dò tài nguyên ở cực nam Mặt Trăng.

Theo kế hoạch, Trung Quốc cũng sẽ phóng tàu thăm dò Hằng Nga 6 lên Mặt Trăng vào khoảng năm 2024 nhằm thu thập các mẫu từ phía xa Mặt Trăng về Trái Đất; đồng thời, chở các thiết bị thuộc dự án vệ tinh của Pháp, Italy, Pakistan và Cơ quan Vũ trụ châu Âu, bao gồm máy dò radon của Pháp, máy dò ion âm của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, gương phản xạ góc laser của Italy và khối lập phương của Pakistan.

Trong gần 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, thăm dò Mặt Trăng. Năm 2013, robot Thỏ Ngọc từ tàu Hằng Nga 3 đáp xuống Mặt Trăng. Đây là robot đầu tiên của Trung Quốc đáp xuống Mặt Trăng.

Năm 2018, Trung Quốc phóng tàu Hằng Nga 4 mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc 2. Đến năm 2019, Thỏ Ngọc 2 đáp thành công xuống vùng tối của Mặt Trăng, theo đó Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên làm được điều này.

Năm 2020, tàu Hằng Nga 5 đáp xuống Mặt Trăng và lấy mẫu đất đá mang về Trái Đất. Đây là lần đầu tiên sau 44 năm mẫu vật Mặt Trăng được mang về thành công./.

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc mời quốc tế hợp tác trong sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO