Trăn trở về cảnh báo ‘những gì bán được là đã bán’ của Bộ trưởng

10/05/2023 16:35

Những đánh giá về hoàn cảnh kiệt quệ của doanh nghiệp và thực trạng khó khăn của nền kinh tế đã được trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm nhằm tìm ra giải pháp.

“Doanh nghiệp không còn gì nữa”

Trước hết, xin đọc lại các phát biểu rất tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội về tình trạng kiệt quệ rất đáng báo động của doanh nghiệp tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói: “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì doanh nghiệp nói rất thẳng thắn là người ta đã dùng những đồng cuối cùng dự trữ của họ để trang trải cho 2 năm qua, bây giờ thì không còn gì nữa”.

Điều nay thể hiện rất rõ khi có tới gần 20 nghìn doanh nghiệp, nói một cách mỹ miều, “rút lui khỏi thị trường” bình quân mỗi tháng, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Đến gần cuối tháng 4, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,66%, tức chỉ bằng nửa so với cùng kỳ các năm trước.

Lãi suất quá cao, tiếp cận tín dụng cực kỳ khó khăn, đơn hàng suy giảm và nhiều nguyên nhân khác làm cho doanh nghiệp suy kiệt; thanh khoản trở thành vấn đề nghiêm trọng nhất của nền kinh tế. Khi sức khỏe đã suy kiệt quá, có tiếp máu cũng khó, mà ví dụ về tăng trưởng tín dụng thấp như trên là ví dụ.

Trăn trở về cảnh báo ‘những gì bán được là đã bán’ của Bộ trưởng - 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Người mua là ai? Người mua toàn là nước ngoài.

Hệ lụy là rất lớn qua mô tả của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Nhiều doanh nghiệp lớn chúng tôi biết đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán, và bán có 50% giá thực. Đấy là việc rất đáng lo ngại".

Ông nói tiếp: "Người mua là ai? Người mua toàn là nước ngoài. Đấy là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế. Đấy là vấn đề chúng tôi rất lo ngại”.

Những phát biểu trên là rất thẳng thắn, hiếm có và đầy trách nhiệm, thể hiện những gì đang diễn ra, đặc biệt là việc mua bán, sáp nhập (M&A) khi âm thầm, lúc nở rộ.

Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2023, nhiều người đã biết thương vụ lên đến 1,5 tỷ đô la đang trong quá trình đàm phán để mua lại các dự án bất động sản, hay Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group mua 15% cổ phần với trị giá 1,5 tỷ đô la của một ngân hàng Việt Nam.

Còn trong năm ngoái có một số thương vụ M&A điển hình như Viva Land mua lại dự án Capital Palace Ba Đình với giá hơn 550 triệu đô la, tập đoàn Keppel Land mua lại dự án Khu đô thị An Khánh – Mai Land HN City trị giá hơn 120 triệu đô la, vụ sáp nhập dự án khu công nghiệp Yên Phong của công ty cổ phần công nghiệp Logistic KTG và Boustead với giá trị 141 triệu đô la.

Theo dữ liệu từ một tập đoàn tài chính nước ngoài cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỉ đô la, trong đó, ngành năng lượng đang trở nên nóng nhất năm 2022 với giá trị gần 600 triệu đô la, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.

Có thể không ít người nói rằng, chúng ta đã theo kinh tế thị trường thì chuyện M&A là bình thường, rằng người nước ngoài tiếp quản doanh nghiệp trong nước vẫn đóng thuế, đảm bảo việc làm, đóng góp cho tăng trưởng,... Nhưng đó là cách nói ngụy biện mà thôi.

Vì sao doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện M&A ở nước ngoài, như cách thức và mức độ người nước ngoài làm ở Việt Nam mà ông Dũng đã phải thốt lên “việc thâu tóm của nước ngoài là rất nguy hiểm” và “rất lo ngại”?

Số liệu về các vụ M&A, theo tôi biết, chưa được cập nhật hoặc phổ biến dù theo quy định, hồ sơ được tiếp nhận trong vòng 15 ngày. Chẳng nhẽ, phải đến khi công bố thì mới sực tỉnh hay sao?

Trăn trở về cảnh báo ‘những gì bán được là đã bán’ của Bộ trưởng - 2

Lãi suất cao đang làm khó doanh nghiệp.

‘Toàn những nghịch lý’

Sức khỏe của doanh nghiệp trước hết phụ thuộc vào chính mình, nào chuyện thu, chi, dòng tiền, đơn hàng, quản trị,… tức là phụ thuộc vào những yếu tố chủ quan. Nhưng không ít doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường” là do các chính sách vĩ mô như tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp giật cục.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá tại phiên chất vấn, tốc độ tăng trưởng suy giảm đã bắt đầu rất rõ từ quý III/2022. Quý III tăng trưởng 13,7%, sang đến quý IV còn có 5,9%, bắt đầu sang quý I năm nay còn có 3,32%, rơi gần như thẳng đứng như thế, ông nói.

Ông nhấn mạnh, các thị trường bắt đầu xuất hiện tình trạng rất khó khăn, từ thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản. "Nền kinh tế không có thanh khoản được, bây giờ đầu tư công còn triệu tỷ trong ngân hàng, các khoản của ngân sách còn triệu tỷ không ra được, nền kinh tế thì thiếu tiền, cung tiền M2 thì thiếu, lạm phát thấp, lãi suất cao, toàn những nghịch lý cả", ông nói.

Ngược lại quý III/2022, chính sách tiền tệ đã thay đổi đột ngột với những lần điều chỉnh biên độ tỷ giá, lãi suất điều hành “đánh đùng một cái”, làm doanh nghiệp trở tay không kịp. Việc điều chỉnh này là không thể tránh khỏi, nhưng lẽ ra nhịp tăng phải nhịp nhàng, có nghệ thuật để đồng điệu với nhịp tăng lãi suất đồng đô la Mỹ mà lộ trình, xu thế của nó đã được FED đưa ra từ cuối năm 2021.

Trong khi đó, cơ quan điều hành suốt ngày lo lắng lạm phát, luôn đe nẹt lạm phát là con ngáo ộp nên không cho tăng trưởng tín dụng. Thực tế là lạm phát không tăng cao vì sức dân kiệt quệ trong khi lạm phát nhập khẩu về rồi lại được xuất khâu đi bởi khu vực FDI. Đến khi nới “room” tín dụng thì không còn doanh nghiệp muốn vay nữa.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang vận hành khá trơn tru, là kênh dẫn vốn tốt của doanh nghiệp và nền kinh tế thì, đùng một cái, có Nghị định 65 “siết chặt” rồi sau đó lại phải sửa đổi ngay.

Những gì diễn ra ở các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán là hệ lụy rõ ràng nhất, là thước đo của các chính sách đó.

Ông Dũng nói thẳng ở phiên giải trình: điều hành tín dụng là có vấn đề, lúc thì thả ra nhanh quá, lúc thì lại siết lại quá, nên các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn.

Ở vị trí Bộ trưởng phụ trách khu vực doanh nghiệp Việt Nam, ông ấy nói ra như vậy là rất trách nhiệm, góp ý, xây dựng chính sách để từ đó không còn ban hành những chính sách giật cục, ban hành hôm trước thì hôm sau phải sửa, làm người dân và doanh nghiệp lao đao, không lường trước được.

Để môi trường đầu tư không còn “rất kẹt”

Điều quan trọng nhất là giải pháp đối với hoàn cảnh hiện nay là gì? Nới tín dụng, giảm lãi suất, cải thiện lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng tốc đầu tư công, giảm thuế,…. Chính sách tài khóa và tiền tệ đã được thảo luận nhưng khó có tác dụng ngay.

Tôi rất ủng hội quan điểm của Bộ trưởng Chí Dũng về một giải pháp khác như dưới đây.

Về môi trường đầu tư, theo Bộ trưởng là “rất kẹt”. Trước đây, Nghị quyết 02, Nghị quyết 19 về môi trường đầu tư kinh doanh để riêng, năm vừa rồi lại nhập vào một, nên mờ nhạt đi.

“Chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới. Chúng tôi đã giao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là đơn vị chuyên theo dõi vấn đề này đang tổng rà soát lại xem các văn bản của các bộ, ngành cái nào trái quy định, cái nào đi ngược với các quy định của luật pháp, hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp. Đây là một vấn đề rất lớn hiện nay, nó làm cản trở và làm ách tắc tất cả các hoạt động của nền kinh tế hiện nay”, Bộ trưởng nói.

Ở phiên họp Chính phủ tháng Tư cuối tuần trước, ông cũng thúc giục: tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.

Người ta ước tính, hiện nay có tầm 3.000-4.000 giấy phép con, cháu, chắt, chít trong các văn bản, từ điều hành đến thông tư đến nghị định đến luật.

Hồi sửa Luật Doanh nghiệp 2015, người ta ước tính có gần 7.000 điều kiện kinh doanh, sau đó cắt được một nửa thì đến nay lại mọc ra y như vậy.

Ông Dũng nói như vậy vì vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nơi chịu trách nhiệm về môi trường kinih doanh và doanh nghiệp, là cần thiết hơn lúc nào hết để tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng. Cần khởi động lại Nghị quyết 02, hay 19, hay 35 đã bị âm thầm bị huỷ bỏ. Vai trò của CIEM, chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan từng là cái nôi của các sáng kiến cải cách, cần được nâng cao hơn hiện nay.

Làm như vậy mới theo được tinh thần "Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết" mà Thủ tướng đã cam kết.

Cắt bỏ điều kiện kinh doanh, gỡ bỏ rào cản là chính sách trọng cung, tạo thuận lợi, tạo cơ hội để dân làm; lúc đó hàng ngàn, vạn sáng kiến mới được phát huy, nguồn lực mới được huy động, niềm tin kinh doanh mới được cổ vũ.

(Nguồn: Vietnamnet)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở về cảnh báo ‘những gì bán được là đã bán’ của Bộ trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO