Trả 5.000 USD để Facebook lan truyền video deepfake lừa đảo đầu tư

02/12/2023 15:26

Một kẻ lừa đảo đã trả cho Facebook hơn 5.000 USD để video deepfake tiếp cận 100.000 người tại Australia. Video giả mạo chương trình phỏng vấn và kêu gọi mọi người đầu tư thu lợi nhuận khủng.

Doanh nhân Dick Smith đã lên tiếng cảnh báo vào đầu tuần này sau khi video lan truyền trên Facebook và Instagram những ngày gần đây. Video được thiết kế như chương trình A Current Affair, trong đó người dẫn chương trình Ally Langdon đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers và những người giàu có như Smith, Andrew Forrest, Gina Rinehart về cơ hội đầu tư.

bryaupjk.png
Ảnh chụp từ quảng cáo deepfake kêu gọi đầu tư trên Facebook. (Ảnh: Facebook)

Đây là biến thể quảng cáo video lừa đảo đầu tư mới nhất xuất hiện trên các trang mạng xã hội và Google Adwords. Phiên bản trước đó sử dụng hình ảnh gắn với website giả mạo nhưng hiện nay, video deepfake không chỉ khớp với hình ảnh của mọi người mà còn mô phỏng cả giọng nói của họ.

Trong video, “Bộ trưởng Chalmers” giả nói về một báo cáo của quốc hội về thành công của một khoản đầu tư cụ thể, thực chất là trò lừa đảo. Nó khẳng định khoản đầu tư được chính phủ bảo lãnh và được Bộ Tài chính khuyến nghị. “Bắt đầu với 349 USD và rút 7.200 USD hàng tuần”, video có đoạn.

Trên website của mình, Smith tuyên bố: “Đây hoàn toàn là trò lừa đảo. Những kẻ lừa đảo đã làm giả giọng nói và nhép miệng để trông giống thật. Đừng mở nó ra xem và đừng gửi bất kỳ khoản tiền nào”.

Theo tờ The Guardian, dữ liệu thư viện quảng cáo Facebook chỉ ra số tiền kẻ lừa đảo đã trả là từ 6.000 CAD$ đến 7.000 CAD$ (khoảng hơn 5.000 USD) cho 26 quảng cáo từ ngày 23 đến 28/11 để đạt 100.000 lượt tiếp cận trên Facebook. Con số này xấp xỉ 7 cent mỗi lượt xem. Thống kê cho thấy nam giới có xu hướng xem được quảng cáo cao hơn nữ giới, còn số người trên 45 tuổi cũng có xu hướng nhìn thấy quảng cáo nhiều hơn người trong độ tuổi 35-44.

Loại lừa đảo này hiếm khi có mặt trên thư viện quảng cáo của Facebook. Chúng chỉ xuất hiện nếu liên quan đến vấn đề chính trị. Facebook không đưa vào mọi loại quảng cáo mà họ kiếm tiền từ đó và quảng cáo lừa đảo thông thường không được đưa vào.

Có lẽ Facebook đã tự động dán nhãn quảng cáo là chính trị do sự có mặt của Bộ trưởng giả. Sau khi The Guardian liên hệ với Meta, tài khoản trả tiền cho quảng cáo đã bị xóa bỏ.

Meta không trả lời về số tiền kiếm được từ quảng cáo lừa đảo nói chung. Dù vậy, phát ngôn viên công ty mẹ Facebook cho biết hãng liên tục xử lý lừa đảo qua kết hợp nhiều công nghệ như kỹ thuật máy học mới và những người được đào tạo đặc biệt để xác định nội dung và tài khoản vi phạm chính sách. Họ cũng đang làm việc với nhiều ngành và chính phủ để tìm ra cách mới ngăn chặn kẻ lừa đảo.

Người phát ngôn nói mọi người nên báo cáo lừa đảo khi nhìn thấy chúng và liên hệ với cơ quan hành pháp nếu trở thành nạn nhân. Theo dữ liệu từ đơn vị giám sát lừa đảo Scamwatch thuộc Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC), năm nay, người dân nước này báo cáo thiệt hại 53,3 triệu USD do lừa đảo đầu tư qua mạng xã hội. Tính đến tháng 10 đã có hơn 1.200 báo cáo. ACCC cho biết trung tâm chống lừa đảo của chính phủ sẽ cảnh báo cho Meta mỗi khi phát hiện.

Meta đang đối mặt với hai vụ kiện vì quảng cáo lừa đảo liên quan đến người nổi tiếng, một của Andrew Forrest và một của ACCC.

(Theo The Guardian)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trả 5.000 USD để Facebook lan truyền video deepfake lừa đảo đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO