Tăng nguồn cung hàng hóa ra thị trường
Theo đó Sở Công Thương TP. HCM đã cùng Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở An toàn Thực phẩm, các đơn vị liên quan phối hợp các tỉnh, thành tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất, cung ứng, nắm chắc tình hình sản xuất tại vùng nguyên liệu…; xây dựng các phương án sản xuất, cung ứng, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ, chuẩn bị hàng hóa Tết…
Về công tác chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…
Về hoạt động phân phối hàng hóa, Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động; kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết… Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết.
Về giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, Chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Bên cạnh đó, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm; các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.
Sở Công Thương cũng cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, tiêu dùng thiết yếu những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết như bánh kẹo, nước giải khát…; chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đồng thời, phối hợp các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết…, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng gạo, thịt gia súc, rau củ quả và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường; tiếp tục phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; may mặc tăng 8,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,6%. Trong đó, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hải Phòng tăng 9,5%; Quảng Ninh tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Hà Nội tăng 6,5%; TP. HCM tăng 5,2%.
Trong đó, tình hình thị trường hàng hóa tháng 11 không có biến động bất thường. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm có nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG.
Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm, cùng với hiệu quả từ những giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ, Bộ Công Thương cho hay.
Đến nay một số địa phương như Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025, trong đó giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.
Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.
Sở Công Thương các địa phương như Hà Nội, TP. HCM cũng đã nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng - phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.