Thị trường ô tô Việt Nam đang ngày một sôi động khi chứng kiến nhiều mẫu xe mới được giới thiệu tới khách hàng. Có những mẫu xe nhanh chóng trở thành hàng "hot" và thường xuyên nằm trong top xe bán chạy nhất thị trường, điển hình như Mitsubishi Xpander, Ford Ranger, Toyota Corolla Cross...
Nhưng ngược lại, cũng có không ít mẫu xe mới lại gặp phải tình cảnh kinh doanh không thuận lợi khi có nhiều tháng, doanh số bán hàng "èo uột", thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điển hình như Honda Accord, Suzuki Ciaz, Toyota Yaris, Ford Explorer... là những mẫu xe thường xuyên bị nhắc tên trong trong danh sách xe bán chậm trong một hai năm trở lại đây. Lý do dẫn tới ế ẩm của những mẫu xe này thường đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Giá bán thiếu cạnh tranh, ít phiên bản lựa chọn
Trước sự đa dạng về số lượng xe được bán ra trên thị trường ô tô và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các phân khúc xe, chắc chắn giá bán sẽ là yếu tố tiên quyết được nhiều người tiêu dùng cân nhắc khi mua xe, đặc biệt ở phân khúc xe giá rẻ. Vì thế, một chiếc xe có giá bán thiếu cạnh tranh, định giá cao hơn so với các đối thủ đương nhiên sẽ khó được người tiêu dùng chấp nhận.
Lấy Suzuki Ciaz làm ví dụ. Đây là một mẫu xe nằm ở phân khúc sedan cỡ B vốn có nhiều đối thủ sừng sỏ, thường xuyên nằm trong top xe bán chạy. Thế nhưng, Suzuki Ciaz lại đưa ra giá bán 543,9 triệu đồng, con số không quá hấp dẫn người mua, nếu không nói là cao khi nhìn sang các đối thủ khác.
Ở tầm giá này, người dùng đã có thể lựa chọn bản cao cấp nhất như Hyundai Accent 1.4 Đặc biệt (542 triệu đồng), Toyota Vios 1.5G (545 triệu đồng) hay bản thấp Honda City G (559 triệu đồng) với trang bị tiện nghi hơn hẳn, nên Suzuki Ciaz gần như không có cơ hội cạnh tranh cả về giá lẫn chất lượng.
Ngoài ra, các đối thủ kể trên còn có từ 3-4 phiên bản với các mức giá khác nhau để khách hàng tùy chọn, trong khi Suzuki Ciaz lại chỉ có duy nhất 1 phiên bản. Vì thế, trong suốt 8 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, doanh số của Ciaz thường chỉ dao động trong ngưỡng 200-350 xe, ngoại trừ tăng đột biến vào năm 2019.
Năm | Doanh số Suzuki Ciaz (xe) |
2016 | 4 |
2017 | 359 |
2018 | 261 |
2019 | 1.117 |
2020 | 291 |
2021 | 326 |
Tình hình kinh doanh của mẫu xe này trở nên bết bát hơn trong 2 năm trở lại đây khi chỉ bán lần lượt được 55 xe (2022) và 37 xe (2023). Theo báo cáo VAMA, tháng 5 vừa qua, Suzuki Ciaz cũng chỉ bán được 3 xe cùng doanh số tích lũy 5 tháng đầu năm 2024 mới đạt 8 xe.
Ở tầm giá tiền tỷ, Honda Accord cũng rơi vào cảnh không tìm được chỗ đứng ở phân khúc sedan cỡ D kể từ khi ra mắt vào năm tháng 10/2019. Theo số liệu VAMA, Accord duy trì doanh số bán lần lượt là 285 xe (2020), 120 xe (2021), 237 xe (2022) và đến năm 2023 thì èo uột khi cả năm chỉ bán được 58 xe. Tính tổng 5 tháng của năm 2024, Honda đã bán ra được 40 xe Accord.
Nguyên nhân chính đến từ việc định giá xe ở mức 1,319 tỷ đồng, cao hơn các đối thủ cùng phân khúc khá nhiều, không có nhiều chương trình khuyến mãi, trong khi các đối thủ liên tục điều chỉnh giá giảm. Đơn cử, mẫu đã ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng về độ tin cậy là Toyota Camry chỉ có giá từ 1,105-1,405 tỷ đồng cho 3 phiên bản, không tính bản hybrid.
Chưa kể, các đối thủ khác như KIA K5 (859-999 triệu đồng) hay Mazda6 (769-899 triệu đồng) đều có giá bán hấp dẫn và thấp hơn từ 300-600 triệu đồng so với Honda Accord. Giá bán chênh lệch cùng sự nghèo nàn về phiên bản đã khiến Accord trở nên ế ẩm và bị người Việt lãng quên.
Trang bị và thiết kế không hợp thị hiếu của người dùng
Ngoài giá bán cao, ít sự lựa chọn, một nguyên nhân khác khiến người dùng quay lưng với sản phẩm còn đến từ việc những gì mà chiếc xe đem lại có tương xứng số tiền bỏ ra để sở hữu hay không. Có thể thấy, điểm chung của hầu hết những mẫu xe bán chậm đều có thiết kế nội ngoại thất không quá nổi bật, nếu không nói là thiếu cảm xúc. Những trang bị về giải trí, an toàn chỉ ở mức đủ dùng và không có gì nổi trội so với các đối thủ.
Ngoài Suzuki Ciaz, Honda Accord thì hai mẫu xe bán chậm khác Toyota Hilux hay Yaris cũng là minh chứng khá rõ nét cho điều này. Trong đó, Toyota Hilux (852 triệu đồng) có ngoại hình không mấy bắt mắt mà giá lại ngang ngửa với cả bản 2 cầu số tự động như Ford Ranger XLT 2.0L 4X4 AT (830 triệu đồng) hay Isuzu D-Max Type Z 1.9 AT 4x4 (880 triệu đồng) ở cùng thời điểm năm ngoái. Thế nên, doanh số của Hilux trong năm 2023 chỉ đạt 134 xe.
Tháng 5 vừa qua, mẫu bán tải này của Toyota mới bán trở lại với giá bán đã được điều chỉnh hợp lý cùng sự bổ sung thêm các phiên bản mới. Điều này đã giúp cho Hilux bán được 308 xe sau 4 tháng tạm ngừng phân phối và chỉ cần một tháng để đạt doanh số cao gấp 2,5 lần so với cả năm ngoái.
Còn Toyota Yaris vốn là biến thể hatchback của mẫu Vios, giá bán lại cao hơn, trang bị cũng không có gì hơn với Vios. Nên những chiếc xe như vậy hiện tại rất khó có thể thuyết phục được khách hàng Việt "xuống tiền". Bản thân biến thể hatchback vốn cũng đã không được nhiều khách hàng Việt ưa chuộng.
Vì thế, doanh số của Yaris đã liên tục giảm theo từng năm, từ 1.118 xe (2021) xuống còn 628 xe (2022) và chỉ đạt 134 xe (2023). Còn tính đến hết tháng 5/2024, doanh số cộng dồn của mẫu xe này cũng mới đạt 8 xe khi hãng gần như bỏ ngỏ khả năng tiếp tục phân phối Yaris.
Không dành cho số đông
Trong danh sách các mẫu xe bán chậm, chúng ta có thể kể ra một số mẫu xe như Toyota Alphard hay Toyota Land Cruiser Prado nhưng khác với các cái tên kể trên, mục tiêu của hãng cũng không phải để bán lấy số lượng vì đây đều là những mẫu xe nhập khẩu từ Nhật Bản dành cho những đối tượng doanh nhân hoặc doanh nghiệp, tập đoàn.
Đáng chú ý, những mẫu xe này đều có giá bán tương đối cao như Toyota Alphard (4,370-4,475 tỷ đồng), Land Cruiser Prado (2,628 tỷ đồng), người mua thường phải đặt hàng, chờ đợi khoảng 6 tháng và phụ thuộc rất nhiều vào nhà máy sản xuất lắp ráp tại Nhật Bản. Vì vậy, một mẫu xe không dành cho số đông bị bán chậm cũng sẽ là điều dễ hiểu.
Theo báo cáo VAMA, tổng doanh số của Toyota Alphard trong năm 2023 là 135 xe, gần gấp đôi doanh số 71 chiếc của năm 2022. Trong khi năm 5 tháng đầu năm 2025, mới chỉ có 48 xe đã được bán, riêng tháng 5/2024, mẫu MPV này bán được 19 xe. Riêng mẫu Land Cruiser Prado, tổng doanh số đạt 331 xe (2022) nhưng giảm mạnh xuống còn 202 xe (2023). Kể từ đầu năm 2024, mẫu SUV này đã tạm ngừng nhập về.
Chờ phiên bản mới
Một mẫu xe đang bán chạy, hoàn toàn có thể bị xếp vào danh sách xe bán chậm trong một điểm nào đó nếu hãng đã có kế hoạch cho ra mắt một phiên bản nâng cấp mới của mẫu xe này. Minh chứng rõ ràng nhất chính là mẫu Toyota Corolla Cross đã lọt vào top xe bán chậm trong tháng 4 vừa qua khi chỉ bán được 14 xe.
Điều này là do hãng đã ngừng nhập khẩu mẫu xe này từ trước đó vài tháng và chỉ cố gắng bán nốt hàng tồn. Sau đó 1 tháng, Toyota Corolla Cross đã nhanh chóng quay trở lại top xe bán chạy khi dẫn đầu bảng với doanh số 996 xe. Tổng doanh số tích lũy 5 tháng đầu năm 2024 của Toyota Corolla Cross đạt 1.367 xe. Trước đó, mẫu xe này liên tục năm trong danh sách xe bán chạy nhất năm với 10.485 xe (2023), 21.473 xe (2022), 18.411 xe (2021) và 5.916 xe (2020).
Chính vì vậy, những mẫu xe bán chậm kiểu này thực tế không phải là do nội tại sản phẩm không tốt mà chủ yếu đến từ nguyên nhân khách quan do các hãng chủ động kế hoạch phân phối sản phẩm để tối ưu hóa lợi nhuận.