- Lý do khiến iPhone 15 tăng giá là không thể tránh khỏi
Kỷ nguyên 3nm đã chính thức bắt đầu trong sản xuất chip, nhưng điều này có thể khiến người tiêu dùng sẽ phải tốn kém hơn khi mua những thiết bị điện tử như iPhone 15.
Các nhà sản xuất như Samsung và TSMC đã bắt đầu quá trình sản xuất chip dựa trên công nghệ 3nm, và đây là công nghệ dự kiến sẽ được TSMC cung cấp cho chip Apple trong dòng iPhone 15. Mặc dù điều này sẽ mang đến cải tiến về hiệu suất và hiệu quả năng lượng, nhưng chi phí của nó cũng tăng lên có thể khiến nhiều người cảm thấy lo ngại, đặc biệt khi TSMC tuyên bố tăng giá tấm wafer 3nm cao gấp đôi so với 7nm.
Thật không may, việc duy trì tiến bộ về quy trình sản xuất chip mà mọi người nhận được trong quá khứ đang ngày càng trở nên khó khăn hơn mỗi năm. Dẫn đến chi phí tăng lên dẫn. Cả TSMC và Samsung đều có kế hoạch sản xuất chip 2nm từ năm 2025 và thậm chí là 1nm vào năm 2030. Mặc dù những phát triển này có nhiều lợi thế nhưng chúng kéo theo chi phí cao.
Dựa trên điều này, có thể nói rằng iPhone 15 và các mẫu điện thoại cao cấp khác sẽ ra mắt với mức giá cao hơn khởi điểm hiện tại, đặc biệt là khi xem xét rằng việc tăng chi phí không giới hạn ở các tấm wafer.
- Vũ trụ ảo sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam 9-17 tỷ USD mỗi năm
Theo phân tích của Deloitte, metaverse có thể tác động tới GDP của các nền kinh tế tại Châu Á trong đó có Việt Nam lên mức 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu về các công nghệ Blockchain Metaverse. Theo dự báo của hãng phân tích MarketAndMarkets, thị trường Blockchain Metaverse Việt Nam sẽ đạt quy mô 2,6 tỷ USD vào năm 2026 tức gấp 5 lần so với hiện tại.
Trong 200 công ty Blockchain Metaverse lớn nhất thế giới, hiện có tới 7 công ty đến từ Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc giới công nghệ dồn mọi sự chú ý vào Metaverse đang mang lại ngày càng nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Theo phân tích gần đây của Deloitte (một trong bốn tập đoàn cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn trên thế giới), lợi ích tiềm năng Metaverse mang lại cho nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 9-17 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 1,3 đến 2,4% tổng GDP.
- Cần hợp tác trong quản trị an ninh mạng
Tại Hội thảo và Triễn lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 (Security Day 2022), ông Fang Yu - Phó Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam cho hay: “Trước bối cảnh kinh tế số tăng trưởng mạnh mẽ, chúng ta đều đang bước đi trên cùng lộ trình kiến tạo thế giới số. Công nghệ mới sẽ mang đến cho nhân loại vô số cơ hội mới, song cũng đặt ra nhiều thách thức về an ninh. Chúng ta cần gấp rút tăng cường bảo mật thông qua đổi mới và hợp tác, để đảm bảo thế giới số đủ an toàn để tin tưởng”.
Ông Fang Yu đề xuất hợp tác tích cực giữa các bên liên quan, bởi đây là xu hướng cần thiết và tất yếu trong quản trị an ninh mạng. Các quy tắc ứng xử chung nên được thiết lập giữa các quốc gia thông qua đàm phán song phương và tham vấn đa phương và bằng cách chủ động chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp tốt nhất. Bên cạnh đó, sự hợp tác là cần thiết để trấn áp các cuộc tấn công mạng, xây dựng môi trường mạng minh bạch và tin cậy.
Các ngành cũng cần hợp tác với chính phủ để xây dựng các tiêu chuẩn bảo mật thống nhất. Nếu không thống nhất tiêu chuẩn, mỗi quốc gia sẽ khó giải quyết các vấn đề an ninh mạng. Xung đột tiêu chuẩn sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng, cản trở tiến bộ kỹ thuật và tăng chi phí kinh doanh.
- TSMC quyết định đưa hoạt động sản xuất chip tiên tiến sang Mỹ
Ông Morris Chang, người sáng lập TSMC cho biết nhà máy của công ty này ở Arizona sẽ sản xuất các loại chip sử dụng công nghệ 3 nanomet - công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của hãng.
Đầu tuần này, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC quyết định đưa hoạt động sản xuất chip tiên tiến tới Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng liên quan tới vấn đề chip.
TSMC được ước tính đang nắm tới 90% thị phần chip máy tính siêu tiên tiến trên thế giới. Công ty đã cung cấp sản phẩm cho nhiều "gã khổng lồ công nghệ" bao gồm Apple và Qualcomm.
Hồi đầu tháng 9, TSMC công bố doanh thu tháng 8 đã tăng gần 60%, lên mức cao kỷ lục 7,06 tỷ USD, nhờ nhu cầu tăng mạnh trên toàn cầu.
- Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng
Sáng 24/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Ngày An toàn thông tin Việt Nam”, Cốc Cốc đã ký kết thỏa thuận thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng (Liên minh) cùng 7 đơn vị sáng lập khác.
Các doanh nghiệp công nghệ tham gia Lễ ký kết thành lập Liên minh bao gồm: Viettel; VNPT; MobiFone; CMC; Bkav, VNG, Tiktok và Cốc Cốc. Theo Cục An toàn thông tin, sứ mệnh của Liên minh là thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cho người dân khi tham gia sử dụng mạng. Từ đó, Liên minh giúp tạo dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, giảm thiểu sự cố mất an toàn thông tin và tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số.
Các thành viên Liên minh cam kết, cùng chung tiếng nói, tích cực và trách nhiệm đóng góp để chung tay tạo “khiên chắn” giúp người Việt lên mạng an toàn, ông Nguyễn Vũ Anh - Tổng Giám đốc Cốc Cốc cho biết.
- 25% tổ chức, cơ quan được khảo sát từng bị tấn công mạng trong năm 2022
Theo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), năm 2022, tình trạng tấn công mạng diễn ra khá phổ biến.
Mới đây VNISA đã thực hiện khảo sát 135 tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam về việc đảm bảo an toàn thông tin.
Kết quả cho thấy, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có 1 đơn vị từng bị gián đoạn hệ thống - dịch vụ, bị tấn công mạng trong năm 2022; 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại.
Bên cạnh đó, có 87% tổ chức, doanh nghiệp lo sợ yếu tố “Con người”, 58% đơn vị lo ngại về “Công nghệ” và 47% lo ngại về lỗ hổng trong “Quy trình”. Cùng với đó, 68% tổ chức, doanh nghiệp cho biết chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin hàng năm. Do đó, theo đại diện VNISA, vấn đề an toàn thông tin cần được quan tâm hơn trong thời gian tới.