Thủ tướng: Xuất khẩu co hẹp, cần tận dụng thị trường 100 triệu dân

Hoài Thu| 13/04/2023 16:02
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng các doanh nghiệp khai thác, tận dụng hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân.

Quan điểm chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sáng 13/4.

Khái quát các khó khăn, thách thức với ngành lâm sản, thủy sản, Thủ tướng cho biết nhiều nguyên vật liệu đầu vào còn phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; tranh chấp thương mại tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh; các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… bị thu hẹp; việc thay đổi chính sách của các nước cũng gây khó khăn cho Việt Nam.

Ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD, còn ngành thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỷ USD. Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là mục tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất lớn nên cần khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Thủ tướng: Xuất khẩu co hẹp, cần tận dụng thị trường 100 triệu dân - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng các doanh nghiệp cần tận dụng khai thác có hiệu quả thị trường trong nước với 100 triệu dân (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản, nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động.

Lãnh đạo Chính phủ định hướng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành lâm sản, thủy sản, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, vừa coi trọng xuất khẩu, vừa coi trọng thị trường trong nước.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là trụ đỡ của nền kinh tế và lợi thế của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Vì thế, người đứng đầu Chính phủ cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ, chia sẻ của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng cần phát huy tính tự lực, tự cường, sáng tạo; chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam, coi đây là chìa khóa để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản nhanh và bền vững.

Về các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm; giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu.

Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng cần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thủ tướng: Xuất khẩu co hẹp, cần tận dụng thị trường 100 triệu dân - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần đẩy mạnh đàm phán, tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định của Việt Nam với các nước để mở rộng thị trường, chú trọng khai thác các thị trường ngách.

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ nhắc nhở cần triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Theo đánh giá, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bứt phá vượt bậc, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ; Việt Nam vào vị trí top 3 các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản luôn đứng trong top 10 xuất khẩu của Việt Nam, giá trị xuất khẩu bình quân trên 11 tỷ USD/năm.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục, vượt chỉ tiêu đặt ra; ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản tiếp tục lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2021.

Tuy nhiên, cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế nước ta nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng phải đối mặt với những thách thức rất lớn do tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi bên ngoài.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-xuat-khau-co-hep-can-tan-dung-thi-truong-100-trieu-dan-20230413142912848.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-xuat-khau-co-hep-can-tan-dung-thi-truong-100-trieu-dan-20230413142912848.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Xuất khẩu co hẹp, cần tận dụng thị trường 100 triệu dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO