Ngay sau khi đặt chân tới Washington D.C (Mỹ) vào sáng 19/9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới Trường Đại học Georgetown, một trong những trường đại học thuộc top đầu ở Mỹ, và có bài phát biểu về chính sách tại đây.
"Tôi rất vui khi đến ngôi trường có truyền thống lâu đời và có kiến trúc đặc biệt ấn tượng. Trong không khí này, rất dễ có cảm xúc khiến chúng ta thăng hoa", Thủ tướng nói. Và thực tế, ông đã có bài phát biểu đầy cảm xúc kéo dài một giờ đồng hồ tại hội trường của Đại học Georgetown.
Đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương
Nội dung đầu tiên được Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát là tình hình thế giới. Ông nhắc đến những yếu tố thuận lợi như hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đã mở ra nhiều cơ hội mới.
Nhưng bên cạnh đó, thế giới vẫn còn không ít khó khăn phải đối mặt. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khái quát tổng thể tình hình thế giới vẫn hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh, tổng thể hòa hoãn nhưng cục bộ căng thẳng, tổng thể ổn định nhưng cục bộ có xung đột.
"Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa phát triển và tụt hậu, giữa độc lập và phụ thuộc trở nên mong manh hơn rất nhiều", theo lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông cho biết kinh tế toàn cầu đang chứng kiến 6 cơn gió ngược. Và Ngân hàng Thế giới cũng phát đi cảnh báo về một thập kỷ mất mát, nhiều mục tiêu phát triển bền vững bị đẩy lùi, khó có thể hoàn thành vào năm 2030.
Bên cạnh đó là khủng hoảng về năng lượng và an ninh lương thực khi giá dầu, giá gạo tăng cao. Đặt vấn đề về cách giải quyết những khủng hoảng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng câu chuyện của Việt Nam.
Đó là trong xu thế giá gạo bị đẩy lên cao, là một nước xuất khẩu gạo với lượng xuất khẩu đã lên tới hơn 6 triệu tấn, Việt Nam nếu vì lợi nhuận có thể dừng xuất khẩu, chờ giá gạo tiếp tục tăng,
"Nhưng không, chúng tôi là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, chúng tôi xác định phải góp phần giảm giá gạo bằng giải pháp phù hợp với Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam chọn hướng đi phù hợp với hòa bình, hợp tác và phát triển.
Nhắc đến những vấn đề toàn cầu phải đối mặt, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ có thể giải quyết bằng giải pháp toàn cầu, đó là đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Và đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ nhất cho điều này. Bởi nếu các nước sản xuất được vaccine không giúp đỡ nước nghèo, có lẽ thế giới bây giờ vẫn còn đại dịch.
Khi đứng trước những vấn đề toàn cầu, Thủ tướng cho rằng có hai sự lựa chọn là bị động chống đỡ và chủ động thích nghi. "Việt Nam lựa chọn hướng đi thứ hai và đang thực hiện lựa chọn này theo cách của riêng mình", người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là"động cơ vĩnh cửu"
Nói về những việc Việt Nam cần làm, Thủ tướng nhắc lại nỗ lực vươn lên của một đất nước chịu nhiều đau khổ, mất mát trong chiến tranh nhưng không chịu khuất phục, càng khó khăn càng nỗ lực.
Định hướng được Thủ tướng đặt ra là tập trung con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ quy luật cung cầu nhưng có điều tiết dựa vào những yếu tố đặc thù của Việt Nam như nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn và độ mở cao, dễ chịu tác động…
Nhấn mạnh yếu tố con người là xuyên suốt với định hướng coi con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển, Thủ tướng nhắc lại quan điểm "Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Với những định hướng lớn ấy, Thủ tướng cho biết Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, đến nay đã thuộc top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút FDI.
Để hiện thực hóa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ, Thủ tướng nhấn mạnh phải ưu tiên dành nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, hai bên phải tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố tin cậy chính trị; gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng và hướng tới tương lai.
Đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, cần tiếp tục coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là động lực chủ yếu và là "động cơ vĩnh cửu" thúc đẩy quan hệ song phương.
Ông mong Mỹ hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định sẽ khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp Mỹ đầu tư phát triển các dự án lớn, nhất là công nghiệp chế tạo và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
"Quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông dẫn câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln để kết thúc bài phát biểu, đó là: "Luôn nhớ rằng quyết tâm thành công của chính bạn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác".
Hoài Thu (Từ Washington D.C, Mỹ)