Thị trường lớn nhất phục hồi, thuỷ sản xuất khẩu có thể thu về 10 tỷ USD

20/09/2023 09:06

Khách hàng lớn nhất tăng mua, cùng với đó là nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy xuất khẩu ngành thuỷ sản có thể thu về 10 tỷ USD trong năm nay.

Tín hiệu sáng từ thị trường Mỹ

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 858,8 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 13% so với tháng 8/2022.

Đây là tháng thứ 9 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước, song là tháng có mức giảm thấp nhất kể từ tháng 3/2023.

Luỹ kế 8 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt 5,79 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm này cũng đang nhỏ dần so với các tháng trước đó.

Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD, giảm 28%; cá tra đạt 1,2 tỷ USD, giảm 34%; cá ngừ 545 triệu USD, giảm 25%; mực đạt 417 triệu USD, giảm 15%; cua ghẹ đạt 114 triệu USD, giảm 20%; các loại thuỷ sản khác đạt 1,3 tỷ USD, giảm 9%.

Đáng chú ý, tháng 8 vừa qua, xuất khẩu sang thị trường Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương đầu tiên kể từ tháng 9/2022, bù đắp cho mức giảm xuất khẩu ở hầu hết thị trường lớn khác, bởi Mỹ đang là khách hàng lớn nhất của thuỷ sản Việt Nam.

Cụ thể, tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 165,25 triệu USD, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt gần 1,02 tỷ USD, vẫn giảm 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản, thị trường lớn thứ hai, trong tháng 8 lại giảm mạnh 21,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 135,1 triệu USD - mức giảm cao nhất kể từ đầu năm. Tính đến hết tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật đạt 973,9 triệu USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2023 sang Trung Quốc giảm trở lại sau khi tăng trong tháng 7/2023, đạt 124,75 triệu USD, giảm 6,4% so với tháng 8/2022. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 874,36 triệu USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn phục hồi

Dù kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vẫn tăng trưởng âm, song bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - nhận định, thị trường có những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam những tháng cuối năm.

Đặc biệt, con cá tra tỷ USD của Việt Nam không chỉ vượt “cửa ải” kiểm soát vùng nuôi, đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, mà còn nhận tin vui về mức thuế chống bán phá giá giảm so với năm trước.

Bà Lan kỳ vọng đây là cơ sở cho các doanh nghiệp tăng giá bán ở Mỹ và các thị trường khác.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, giai đoạn cuối năm với các lễ hội lớn, sau đó là Tết Nguyên đán ở châu Á sẽ giúp mức tiêu thụ tôm gia tăng, trong khi hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đã giảm và phải nhập thêm.

Thực tế, với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, những tháng cuối năm được xem là “mùa vàng”, bởi nhu cầu từ các thị trường đều tăng mạnh để phục vụ mùa lễ hội.

Xuất khẩu thuỷ sản được kỳ vọng sẽ bứt phá trong những tháng cuối năm (Ảnh: Minh Dũng)

Song chuyên gia trong ngành cho rằng, điều quan trọng là các doanh nghiệp thủy sản trong nước cần tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ đối với các nhà nhập khẩu, trên cơ sở phải giữ cho được các thị trường có nhu cầu lớn. Để từ đó có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn phục hồi.

Đặc biệt, chú trọng xuất khẩu sang Trung Quốc vì đây là thị trường có sức phục hồi tương đối nhanh. Cùng với đó, nắm bắt nhu cầu từ thị trường Mỹ, bởi tồn kho của họ gần như đã cạn, lạm phát hạ nhiệt.

Nhận định về tình hình xuất khẩu thuỷ sản những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm ngoái kim ngạch đạt 11 tỷ USD. Năm nay gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, song đang có tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu.

Về việc Trung Quốc cấm nhập thủy sản từ Nhật Bản khi Nhật tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển, ông cho rằng đây cũng là thời cơ của Việt Nam.

Chưa kể, người tiêu dùng Nhật cũng thận trọng hơn với tiêu thụ thủy sản nội địa, do vậy sẽ tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước láng giềng của Nhật, tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thủy sản tổ chức hội nghị phát triển thủy sản trong tình hình mới để có giải pháp chủ động về nguyên liệu nhằm thúc đẩy và cán đích 10 tỷ USD, thứ trưởng Tiến cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thị trường lớn nhất phục hồi, thuỷ sản xuất khẩu có thể thu về 10 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO