'Thế khó' của ngành gạo Việt trước cơn sốt giá lịch sử

01/09/2023 16:39

Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu những khó khăn của ngành lúa gạo trước cơn sốt giá lịch sử.

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho thấy, tính đến 18/8, vụ Hè Thu ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 926.000 ha trong tổng số 1,482 triệu ha diện tích gieo sạ, năng suất bình quân đạt 59,33 tạ/ha, ước sản lượng đạt 5,495 triệu tấn lúa.

Vụ Thu Đông 2023 đã gieo sạ 420.00 ha/700 ngàn ha diện tích kế họach, đã thu hoạch được 11.000ha.

Về xuất khẩu, trong nửa đầu tháng 8 vừa qua, nước ta đã xuất bán 456.768 tấn gạo, trị giá 155,06 triệu USD, giảm 19,89% về lượng nhưng tăng 30,81% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế xuất khẩu gạo đến ngày 15/8 năm nay đạt 5,351 triệu tấn, thu về 2,883 tỷ USD, tăng 22,12% về số lượng và tăng 34,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Gạo sốt giá, chuỗi cung ứng ngành hàng bị đứt gãy (Ảnh: Hồ Hải Hoàng)

VFA cũng cho biết, lệnh cấm xuất khẩu gạo ngày 20/7 vừa qua của Ấn Độ, tiếp theo là lệnh dừng xuất khẩu gạo của một số nước khiến nhu cầu cho mặt hàng lương thực thiết yếu này khan hiếm, đẩy giá gạo tăng mạnh so với thời điểm trước, đã tác động lớn đến thị trường thương mại gạo thế giới.

Việt Nam đã tận dụng cơ hội khai thác thị trường, nâng cao hiệu quả cho nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp một số khó khăn.

Cụ thể, do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái (hàng xáo) đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

VFA đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hội viên cố gắng đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết nhằm ổn định, giữ vững thị trường. Đồng thời, đàm phán với đối tác giãn tiến độ giao hàng để giảm thiểu các thiệt hại do biến động giá.

Đối với hợp đồng mới phải đảm bảo có chân hàng trước khi ký. Trường hợp chưa có hợp đồng nên hạn chế số lượng mua vào tránh biến động, xáo trộn giá trong nước.

Hiện có trên 200 thương nhân được Bộ Công Thương cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng đa số các thương nhân chưa thực hiện đúng chế độ báo cáo, đặc biệt là tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và hàng tồn kho ở từng thời điểm. Việc này ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, không kịp thời có số liệu báo cáo phục vụ cho công tác điều hành vĩ mô do thiếu dữ liệu thông tin.

VFA đề xuất bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo (Ảnh Hoàng Hà)

VFA cũng nhấn mạnh vấn đề “vốn tín dụng” đang được các thương nhân quan tâm nhất. Bởi, hầu hết đều gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động.

Trong khi đó, thị trường thương mại lúa gạo trong những năm gần đây nhiều biến động, hạn mức tín dụng thấp làm tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng, thiếu hẳn nguồn vốn mua lúa gạo dự trữ gối đầu làm giảm hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh. 

Bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo

Hiệp hội này nhận định, tình hình sản xuất và thị trường thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo chứa đựng nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đưa lên hàng đầu.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thương nhân, VFA đề nghị bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và hàng hóa lúa gạo tồn kho của các thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định của Chính phủ.

Đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, đặc biệt giữa các thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP và các thương nhân thuê kho theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Về tài chính, tín dụng, VFA kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có các cơ chế hỗ trợ về vốn cho các thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đảm bảo nguồn tồn kho dự trữ lưu thông.

Cuối cùng, VFA đề nghị Bộ NN-PTNT có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp để góp phần đảm bảo chất lượng lúa gạo đầu ra đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thương mại gạo thế giới, qua đó góp phần thực hiện được mục tiêu “nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”, VFA nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Thế khó' của ngành gạo Việt trước cơn sốt giá lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO