Bằng sự quan sát tỉ mỉ, qua ống kính của mình, tác giả Bùi Trung Kiên với album “Hệ sinh thái động thực vật ven biển Hải Hà, Tỉnh Quảng Ninh”, gửi về Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”. Album giúp quý vị thấy rõ hơn sự đa dạng và phong phú của hệ sinh thái biển Việt Nam, với thảm thực vật bao gồm các loài cây bản địa và cây được trồng thêm; động vật trên cạn cũng vô cùng phong phú với các loài chim bản địa và chim di cư đến vào mùa đông. Động vật biển đa dạng về số lượng và số loài sinh sống…
Hệ sinh thái biển bao gồm các hệ sinh thái gần bờ (như ruộng muối, bãi bồi, đồng cỏ biển, rừng ngập mặn, hệ thống bãi triều đá và các rạn san hô ngầm…), hệ sinh thái xa bờ (bao gồm các hệ sinh thái ngoài khơi, đại dương, nước biển bề mặt, biển sâu, miệng phun thủy nhiệt đại dương và đáy biển…). Ngoài việc cung cấp nhiều lợi ích cho thế giới tự nhiên, các hệ sinh thái biển còn cung cấp nhiều dịch vụ, lợi ích liên quan đến xã hội, kinh tế và hệ sinh thái sinh học của con người.
Hệ sinh thái động thực vật biển Việt Nam khá đa dạng và có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa. Vùng biển Việt Nam có khoảng 20 hệ sinh thái điển hình, phân bố trên 1 triệu km2 diện tích ở Biển Đông, nhiều khu vực bãi triều và cửa sông, với chừng 11.000 loài sinh vật cư trú… Theo ước tính, mỗi năm, khoản lợi nhuận thu được từ các hệ sinh thái biển và ven biển của Việt Nam từ 60 – 80 triệu USD, tức là khoảng 56 – 100 USD/năm/gia đình cư dân sống ở các huyện ven biển.