'Quốc hội đổi mới trong hoạt động chất vấn'

Hoa Lê| 29/11/2023 14:54

Theo đại biểu Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn thực hiện các nghị quyết, lời hứa của các Bộ trưởng...

Đổi mới trong phiên chất vấn

Trao đổi bên lề phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội sáng 29/11, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, đánh giá kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV có khối lượng công việc rất lớn; xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ.

Về hoạt động và trả lời chất vấn tại kỳ họp, đại biểu đánh giá đây là nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, có thể khẳng định đây là phiên làm việc có nhiều đổi mới cả về cách thức tổ chức và nội dung, khẳng định vai trò giám sát tối cao của Quốc hội đối với những vấn đề quốc kế dân sinh; được dư luận, cử tri và nhân dân đồng tình, ghi nhận, đánh giá cao.

Quốc hội đổi mới trong hoạt động chất vấn - 1

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Ảnh: TT).

"Quốc hội đã thực hiện đổi mới trong hoạt động chất vấn. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện lời hứa, cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành", đại biểu nói.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc chất vấn và trả lời chất vấn bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và bao quát được các lĩnh vực giám sát.

Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và 21 Bộ trưởng, trưởng ngành đều trực tiếp trả lời chất vấn. Trong đó, có những người tuy đảm nhận vị trí chưa lâu nhưng đã nắm rõ lĩnh vực mình phụ trách, đưa ra các câu trả lời ấn tượng và khá thuyết phục.

Cũng bày tỏ ấn tượng với phiên chất vấn của kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nói: "Ở kỳ họp này đại biểu có thể hỏi bất cứ Bộ trưởng nào, về bất cứ vấn đề gì mà họ quan tâm. Điều này đòi hỏi Bộ trưởng phải nắm chắc lĩnh vực của mình, có các phương án, chương trình kế hoạch để xử lý các vấn đề đại biểu đặt ra".

Cần thời gian phân tích thêm 2 dự án luật

Quốc hội đã xem xét thông qua 7 dự án luật và 5 nghị quyết; cho ý kiến vào 10 dự án luật, trong đó có 8 luật cho ý kiến lần đầu...

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo đại biểu, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến.

Tuy nhiên, đây là hai dự án luật khó, việc sửa đổi có ảnh hưởng đến nhiều dự án luật khác. Đây cũng là hai dự án luật lớn, có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, trong quá trình thảo luận còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, cần có thời gian để phân tích, đánh giá thêm và nghiên cứu kỹ nhằm đảm bảo tính khả thi khi luật được thông qua.

Chính vì vậy, tại kỳ họp này Quốc hội thống nhất chưa thông qua 2 dự luật nói trên.

Bà Ngọc đánh giá các đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị kỹ các nội dung để phát biểu tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, xây dựng.

Quốc hội đổi mới trong hoạt động chất vấn - 2

Đại biểu Nguyễn Công Long (Ảnh: TT).

Đại biểu Nguyễn Công Long đánh giá, Quốc hội đã thông qua những dự án luật quan trọng. Riêng với Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội quyết định lùi lại sang kỳ họp gần nhất do cần thời gian nghiên cứu, xem xét thấu đáo.

Ông nhận định, cách làm như vậy thể hiện trách nhiệm của Quốc hội với cử tri, đồng bào cũng như trước vận mệnh, yêu cầu phát triển của đất nước.

Sau khi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV kết thúc, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội tiếp tục bắt tay vào các dự án, dự thảo của kỳ họp tới.

Đại biểu Nguyễn Công Long nhận định, quỹ thời gian này rất eo hẹp, chưa kể Quốc hội đã triển khai ngay các nội dung giám sát quan trọng mà nghị quyết của kỳ họp thông qua. Do đó các cơ quan, đại biểu phải tập trung cao độ để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Quốc hội đổi mới trong hoạt động chất vấn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO