Thời sự 24 giờ: Sau bà Đỗ Thị Nhàn, ai là người nhận tiền nhiều thứ hai trong vụ thành tra SCB?
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 24/11/2023
Sau bà Đỗ Thị Nhàn, ai là người nhận tiền nhiều thứ hai trong vụ thành tra SCB?
Trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Bộ Công an cáo buộc những người trong đoàn thanh tra được bà Trương Mỹ Lan hối lộ từ vài nghìn đến vài triệu USD. Trong đó, người nhận nhiều tiền nhất là bà Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra), với 5,2 triệu USD.
Xem thêm: 5 triệu USD trong thùng xốp và câu chuyện 'nếu như' vụ Vạn Thịnh Phát, SCB
Đứng ngay sau là ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Người ra Quyết định thanh tra, với số tiền nhận từ SCB là 390.000 USD. Trong đó, có 310.000 USD được ông Hưng nhận trong thời gian thực hiện thanh tra.
Xem thêm: Bẻ cong kết quả thanh tra là một tội ác!
Theo lời khai của ông Hưng, bị can này là người ký và chỉ đạo đối với Đoàn thanh tra SCB các năm 2017 và 2018.
Xem thêm: Một triệu tỷ bị rút và việc 'bịt tai, che mắt' của 18 cán bộ thanh tra
Ông Hưng được tiếp nhận báo cáo từ đoàn thanh tra và chỉ đạo bà Nhàn, Tổ Tổng hợp xây dựng, dự thảo các Báo cáo trình lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ về kết quả thanh tra.
Theo kết luận điều tra, ông Hưng khai nhận kết quả thanh tra của đoàn đã làm rõ về thực trạng tài chính của SCB là rất xấu, đủ điều kiện phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Xem thêm: Bà Trương Mỹ Lan sở hữu 'ngầm' hơn 90% cổ phần SCB, có phải ca duy nhất?
Tuy nhiên, ông Hưng lại chỉ đạo báo cáo lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nội dung không trung thực, không đầy đủ về những sai phạm, vi phạm nêu trên của SCB.
Ông Hưng đã chỉ đạo bà Nhàn và Tổ tổng hợp xây dựng, hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra trong đó có nhiều nội dung bỏ ngoài, không kiến nghị đối với các sai phạm của SCB, sai lệch với kết quả thanh tra, mục đích tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục thực hiện các phương án tái cơ cấu.
Xem thêm: Loạt công ty định giá tài sản giúp sức bà Trương Mỹ Lan
Ông Hưng khai đã sử dụng số tiền nhận hối lộ vào các mục đích cá nhân. Ông Nguyễn Văn Hưng bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
700 người Việt ở phía bắc Myanmar tạm thời ở khu vực an toàn
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 23/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông tin mới nhất từ cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar, tình hình an ninh tại một số bang miền Bắc của Myanmar tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Đến nay, có khoảng 700 công dân Việt Nam ở khu vực tạm thời an toàn và nhiều trường hợp khác đang được chờ xác minh thông tin.
"Hiện Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng cả trong và ngoài nước để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn và các biện pháp sơ tán công dân trong thời gian sớm nhất có thể" - bà Hằng cho biết.
"Chúng tôi đã và đang làm việc 24/24 giờ và trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ theo dõi sát tình hình và giữ liên lạc với đầu mối các công dân Việt Nam tại khu vực lánh nạn và sẵn sàng triển khai công tác bảo hộ dân cần thiết, đưa công dân về nước sau khi đã thống nhất được phương án di chuyển", bà Hằng nhấn mạnh.
'Được rút BHXH một lần không phân biệt đóng trước hay sau khi có luật mới'
Giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 23/11 về BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay quy định về BHXH một lần tiếp tục được điều chỉnh theo hướng người lao động có quyền rút, không phân biệt đóng bảo hiểm trước hay sau khi luật có hiệu lực.
Ông thông tin thêm, bên cạnh nguyên nhân người rút BHXH khó khăn, Ban soạn thảo luật đã tổng kết được 5 vấn đề chung nhất.
Xem thêm: Người không rút BHXH được hưởng trợ cấp khi chưa đủ điều kiện có lương hưu
Xem thêm: Vì sao hầu hết người rút BHXH một lần là lao động trẻ?
"Phương án quy định việc rút BHXH một lần, cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là có quyền rút BHXH. Thứ hai là phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo, để người dân có lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước ý kiến một số đại biểu nêu về nhiều mức cho rút BHXH khác nhau như chỉ được rút 8% người lao động đóng hay đề nghị giữ lại phần 14% người sử dụng đóng, Bộ trưởng nhắc lại phương án 2, người lao động chỉ được rút 50% và bảo lưu 50% còn lại.
Xem thêm: 'Nhìn thực tế con số rút bảo hiểm xã hội một lần để có giải pháp khả thi'
Ông lý giải, 50% thời gian đóng BHXH được bảo lưu sẽ ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi. Khi quay trở lại tham gia bảo hiểm, người lao động sẽ được cộng tiếp vào thời gian đóng. Còn nếu không tái tham gia BHXH, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu.
"Phương án bảo lưu 50% thời gian đóng đảm bảo quyền của người tham gia hưởng BHXH một lần, công bằng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, phù hợp với khuyến nghị tổ chức quốc tế và cũng vẫn giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Bắc Ninh báo cáo vụ Giám đốc sở chơi golf trong giờ làm
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra thông tin việc lãnh đạo sở ở Bắc Ninh đi chơi golf trong giờ làm việc với tần suất "7 ngày đi 3 lần", đều trong giờ làm việc.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị phải xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). Nội dung này phải báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/11.
Theo phản ánh của báo chí, ông Đặng Trần Trung (Giám đốc Sở NN&PTNT) chơi golf cùng 3 người khác tại sân golf Vân Trì (huyện Đông Anh, Hà Nội). Đến ngày 25/10, ông Trung tiếp tục cùng Phó Giám đốc Đặng Công Hưởng xuất hiện tại sân golf FLC Hạ Long (Quảng Ninh) để giao lưu với một người chơi golf chuyên nghiệp.
Sự việc tương tự diễn ra vào ngày 27/10, tại sân golf Đồi Rồng (TP Hải Phòng). Ông Trung, ông Hưởng đã đánh golf nhiều giờ liền cùng ông Đặng Công Toàn (Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh), một số cán bộ thuộc Sở NN&PTNT, Bí thư Huyện ủy Yên Phong Nguyễn Anh Tuấn.
Cuối ngày cả nhóm đi ăn tiệc, nghỉ ngơi ở Khách sạn Dream Dragon Resort thuộc KDL quốc tế Đồi Rồng.
Cũng trong ngày 23/11, tỉnh Bắc Ninh đã có phản hồi trước những thông tin về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Hiếu làm Giám đốc Sở GTVT chỉ sau 18 ngày ông này làm phó Trưởng phòng.
Theo Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh, ông Hiếu là kỹ sư xây dựng cầu đường, tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải. Ông Hiếu được tuyển dụng vào làm công chức theo chế độ thu hút nhân tài của tỉnh Bắc Ninh và được quy hoạch Phó Giám đốc Sở giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.
Sở GTVT Bắc Ninh khẳng định ông Nguyễn Minh Hiếu được bổ nhiệm Phó giám đốc Sở là đúng quy trình, quy định liên quan.
Người trúng thầu thuê Thủy Tạ (Đà Lạt) rút lui vì không được đổi tên công trình
Ngày 23/11, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng thông tin, sau 15 ngày kể từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kết quả trúng đấu giá nhà hàng Thủy Tạ, ông Đoàn Hải Hà (trú TP Hà Hội, người trúng đấu giá) chưa nộp tiền thuê đất và tài sản trên đất (hơn 151 tỷ đồng/10 năm, đóng một lần).
Xem thêm: Thuê nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt 15,1 tỷ đồng/năm: Làm gì để thu hồi vốn?
Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng cho biết đơn vị này mới tiếp nhận thông tin ông Đoàn Hải Hà không đầu tư vào khu đất nhà hàng Thủy Tạ. Việc có tổ chức các đợt đấu giá khác hay không, đơn vị đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Lý do khiến người trúng đấu giá rút lui được cho là do trước đó, ông Hải có văn bản xin phép đổi tên nhà hàng Thủy Tạ, tuy nhiên chính quyền địa phương không đồng ý.
Việc ông Hà trúng đấu giá thuê khu vực nhà hàng Thủy Tạ với giá 15,15 tỷ đồng/năm gây xôn xao dư luận vì giá rất cao so với giá ở Đà Lạt nói chung và cả nước nói riêng. Cụ thể, Giá khởi điểm được đưa ra cho khu vực nhà hàng này là 3,04 tỷ đồng/năm. Số tiền tăng thêm do đấu giá qua 63 bước giá là trên 12 tỷ đồng/năm.
Vùng áp thấp ở Biển Đông có thể mạnh thêm, miền Trung cuối tuần mưa lớn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ 23/11 ở phía Bắc khối không khí lạnh tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Trên biển có một vùng áp thấp vừa hình thành và đang hoạt động ở phía nam Biển Đông.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ sáng 25 đến ngày 27/11, từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100 - 300mm/đợt, vùng tâm mưa có nơi trên 600mm/đợt.
Ngoài ra, Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10 - 30mm, có nơi trên 70mm.
Do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết trên nên ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.
Vùng biển phía bắc của khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.