Vì sao hầu hết người rút BHXH một lần là lao động trẻ?

Hoài Thu| 19/10/2023 08:12

Với đặc thù tập trung nhiều lao động phổ thông và tuổi đời trẻ làm việc tại các khu công nghiệp, Đông Nam Bộ và ĐBSCL là khu vực có số người hưởng BHXH một lần đông nhất cả nước.

Thông tin này được đề cập trong báo cáo tổng kết của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về việc triển khai Nghị quyết số 93 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII trong thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động.

60% lao động rút BHXH một lần ở Đông Nam Bộ và ĐBSCL

Báo cáo thực trạng hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016-2022, Bộ LĐ-TB&XH dẫn số liệu cả nước có hơn 4,8 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần.

Sau khi hưởng BHXH một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH (chiếm 26%).

Như vậy, thực tế số người hưởng BHXH một lần, không quay trở lại là hơn 3,5 triệu người. Bình quân mỗi năm có hơn 591.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%.

Vì sao hầu hết người rút BHXH một lần là lao động trẻ? - 1

77,5% người rút BHXH một lần là lao động trẻ và 60% người lao động rút BHXH một lần ở khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Tương ứng với số người hưởng BHXH một lần, số tiền chi trả cũng tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2016 là 10.488 tỷ đồng và đến năm 2021 đã tăng lên 35.350 tỷ đồng.

Xét theo địa lý, Bộ LĐ-TB&XH cho biết khu vực Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long có số lượng người giải quyết hưởng BHXH một lần đông nhất cả nước, chiếm gần 60% tổng số người hưởng BHXH một lần.

"Đây là những khu vực tập trung nhiều lao động phổ thông, tuổi đời trẻ làm việc tại các khu công nghiệp nên tần suất thay đổi công việc nhanh dẫn đến hưởng BHXH cao so với các khu vực khác trên cả nước", theo lý giải của Bộ Lao động.

Báo cáo của Bộ cũng nêu rõ số người hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016-2022 hầu hết là những lao động có thời gian tham gia BHXH ngắn - dưới 10 năm.

Thống kê cũng cho thấy những người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (40,4%); nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai (37,1%); nhóm tuổi từ trên 40 tuổi đến đủ 50 tuổi đứng thứ ba (15,4%); nhóm tuổi từ trên 50 tuổi đến đủ 60 tuổi đứng thứ tư (5,8%); nhóm tuổi từ trên 60 tuổi đứng thứ năm (1,1%).

Thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (0,3%). Con số này cho thấy người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 đến 40 tuổi (chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần).

"Việc hưởng BHXH một lần sớm có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Phần nữa cũng do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng BHXH một lần bình quân còn trẻ", Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

2 phương án để người lao động BHXH một lần

Đề cập đến tác động của việc hưởng BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ số người hưởng BHXH một lần gia tăng đồng nghĩa với mức độ bao phủ của hệ thống BHXH bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia BHXH và số người hưởng lương hưu.

Xu hướng hưởng BHXH một lần gia tăng cũng sẽ tác động rất lớn đến tỷ lệ dân số già được hưởng hưu trí hàng tháng trong tương lai. Điều này có nghĩa là ngân sách Nhà nước sẽ phải chi nhiều hơn cho trợ cấp đối với người cao tuổi, những người không có lương hưu.

Vì sao hầu hết người rút BHXH một lần là lao động trẻ? - 2

Người dân tham gia bảo hiểm xã hội sẽ có lương hưu khi về già (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Với cá nhân người lao động, nếu hưởng BHXH một lần, không được hưởng lương hưu, đồng nghĩa với việc không được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng cho người lao động, điều này sẽ gây thêm khó khăn về kinh tế cho bản thân và gia đình

Mặt khác, hưởng BHXH một lần cũng có thể ngăn cản quyền được hưởng chế độ tuất của những thân nhân của người lao động vì các khoản trợ cấp tử tuất cũng yêu cầu một số năm đóng góp tối thiểu của người lao động khi qua đời.

"Như vậy, việc người lao động hưởng BHXH một lần là thiệt thòi hơn rất nhiều so với việc bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu khi về già", theo Bộ LĐ-TB&XH.

Để hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi về già, theo Bộ LĐ-TB&XH, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, Chính phủ đề cập việc sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: Điều kiện hưởng lương hưu dễ hơn, giảm từ 20 năm xuống 15 năm; người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng thì được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng…

Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của người lao động.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng xây dựng 2 phương án đối với việc hưởng BHXH một lần.

Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hầu hết người rút BHXH một lần là lao động trẻ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO