'Nhìn thực tế con số rút bảo hiểm xã hội một lần để có giải pháp khả thi'

Hoài Thu| 17/08/2023 14:53

72% người rút BHXH một lần nằm ở khu vực phía Nam, miền Trung và đại bộ phận rút là công nhân. Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thực tế cho thấy người lao động rút bảo hiểm do thật sự khó khăn.

Rút BHXH một lần là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh là nhạy cảm, phức tạp khi cho ý kiến góp ý dự Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/8.

Thời gian đóng BHXH quá dài

Bản dự thảo luật được trình lần này nêu 2 phương án về rút BHXH một lần. Ở phương án một, thay vì cho người lao động rút như hiện hành, tức sau một năm nghỉ việc, Chính phủ đề xuất chỉ nhóm tham gia bảo hiểm trước khi luật có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút.

Nhóm tham gia sau thời điểm này không được rút, trừ trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án hai, Chính phủ đề xuất tất cả lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút (tức đối tượng giữ như luật hiện hành) nhưng "siết" mức hưởng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu.

Phương án này không phân biệt thời gian đóng, không giới hạn số lần người lao động được rút.

Nhìn thực tế con số rút bảo hiểm xã hội một lần để có giải pháp khả thi - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Phạm Thắng).

Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc rút BHXH một lần hiện nay là thời gian đóng để được hưởng lương hưu quá dài.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhấn mạnh, quy định thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu chỉ 10 năm là mong muốn khi sửa luật lần này nhưng hiện khó áp dụng.

"Hàn Quốc đã quy định mức 10 năm, nhưng với Việt Nam, nếu chỉ đóng 10 năm e rằng mức lương hưu thấp quá. Vậy nên xin phép UB Thường vụ Quốc hội, trước hết trong nhiệm kỳ này chỉ giảm xuống mức 15 năm cho phù hợp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày.

"Quy định hiện hành là 20 năm. Với người đi làm trong lúc khó khăn như thời kỳ đại dịch, giữa quyền lợi của 20 năm sau với nhu cầu cấp thiết trước mắt, đôi khi bắt buộc người lao động phải chọn giải quyết việc trước mắt", ông Huệ nói.

Do đó, Nghị quyết 28 của Trung ương định hướng lộ trình thu hẹp thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, tới đây sẽ chỉ còn 10 năm, đoạn trung gian hiện tại là 15-20 năm.

Với 2 phương án Chính phủ trình, Chủ tịch Quốc hội nhận định mỗi hướng đều có ưu - nhược điểm riêng, nhưng phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.

Qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội đề xuất nghiên cứu thêm một phương án có thể tích hợp, tận dụng các điểm tốt nhất của 2 phương án trên.

Cụ thể, với những người tham gia đóng BHXH sau khi luật này có hiệu lực thì không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực thì được rút nhưng chỉ rút phần mình đóng, còn một phần (do người sử dụng lao động đóng) vẫn tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.

"Quy định như vậy vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mặt nhưng vẫn "để cửa" bảo lưu thời gian tham gia trong hệ thống, để người lao động có thể quay trở lại, tiếp tục đóng khi có điều kiện", theo Chủ tịch Quốc hội như vậy mạng lưới an sinh sẽ không bị thủng.

Nhìn thực tế con số rút bảo hiểm xã hội một lần để có giải pháp khả thi - 2

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng hưởng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên xu hướng rút BHXH một lần tăng thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động mà còn là nguy cơ với kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị có chính sách đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống, như tín dụng ưu đãi, đào tạo việc làm…

"Nâng lên đặt xuống" từng phương án

Giải trình làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung xác nhận, rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm.

"Nếu làm không tốt về tư tưởng, vận động, thuyết phục và có phương án phù hợp, rất dễ xảy ra những vấn đề khó có thể hình dung hết", Bộ trưởng Dung nói.

Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật cho biết, ban đầu ban soạn thảo tính 3 phương án cho việc rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng khi thảo luận ở Chính phủ đã gom lại 2 phương án.

"Tinh thần đề ra là làm sao xử lý hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước với việc hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động, không tạo ra cú sốc với người lao động, nhất là trong lúc khó khăn hiện nay", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Nhìn thực tế con số rút bảo hiểm xã hội một lần để có giải pháp khả thi - 3

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung quan trọng của dự án Luật BHXH sửa đổi (Ảnh: Phạm Thắng).

Bộ trưởng Lao động nêu con số, 72% người rút BHXH một lần nằm ở khu vực phía Nam và miền Trung, tuyệt đại bộ phận rút là công nhân. Theo đó, cần nhìn vào thực tế này để thấy nguyên nhân của rút BHXH một lần là do khó khăn, phải tính toán giải pháp.

Khái quát về quy định hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng Dung thừa nhận "thực sự chưa thấy có phương án tối ưu", nhưng ít ra cũng có phương án tạm thời chấp nhận được.

"Nếu thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 28 thì phải chọn phương án 2. Phương án này hài hòa giữa người đã, đang tham gia BHXH với người trong tương lai sẽ bước vào hệ thống", theo lời Bộ trưởng Lao động.

Dù vậy, Bộ trưởng nhìn nhận, đây cũng không phải phương án trọn vẹn nên sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.

"Vừa qua, ban soạn thảo dự án luật đã làm việc với rất nhiều cơ quan, tính toán có thể thay hình thức hưởng BHXH một lần này bằng cơ chế hỗ trợ khác để người lao động không phải rút. Ví dụ giải pháp về tín dụng, chúng tôi đã làm việc với ngành ngân hàng rồi nhưng vẫn chưa đi đến tận cùng vấn đề được, cần tiếp tục nghiên cứu", Bộ trưởng thông tin.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Nhìn thực tế con số rút bảo hiểm xã hội một lần để có giải pháp khả thi'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO