'Ông lớn' xuất hiện, ngân hàng dồn dập tăng vốn

16/09/2022 09:42

Ngân hàng TMCP Quốc Dân được tăng vốn, qua đó có thể mở rộng hoạt động tín dụng. Trước đó, NVB phát hành thành công 1.500 tỷ đồng và có bóng dáng của ông lớn Sungroup. Dù vậy, NVB vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngày 15/9, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (mã cổ phiếu NVB) công bố thông tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chính thức chấp ghi nhận về việc NVB tăng vốn điều lệ lên hơn 5.600 tỷ đồng.

Với quyết định của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Quốc Dân có thể nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Trước đó, hồi cuối tháng 3/2022, NVB đã phát hành thành công 150 triệu cổ phiếu (giá phát hành 10.000 đồng) cho cổ đông hiện hữu và hai tổ chức.

NCB chính thức được tăng vốn lên hơn 5.600 tỷ đồng.

Cụ thể, 148,5 triệu cổ phần đã được bán cho cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số cổ phần chưa phân phối hết, tổng cộng 1,47 triệu đơn vị, được bán cho hai nhà đầu tư tổ chức là Công ty Chứng khoán Everest (EVS) và Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời.

Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời là một doanh nghiệp có liên quan tới Tập đoàn Sun Group.

Ngân hàng Quốc Dân (trước có tên là Navibank) gắn với tên tuổi của nhiều đại gia như Đặng Thành Tâm, sau này là Nguyễn Tiến Dũng (Dung Gami). Tuy nhiên, ngân hàng này không được giới đầu tư chú ý nhiều cho tới khi có bóng dáng của Tập đoàn Sun Group của tỷ phú kín tiếng Lê Viết Lam.

Tại ĐHĐCĐ bất thường hồi giữa 2021,  Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc dân đã bầu bà Bùi Thị Thanh Hương nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Tiến Dũng đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.

Bà Bùi Thị Thanh Hương (1980) được biết đến với vai trò là CEO của SunGroup.

Chủ tịch NVB Bùi Thị Thanh Hương tại lễ ký kết hợp tác NVB và Sungroup. (Ảnh: Sungroup)

Hồi giữa tháng 10/2021, Sun Group và NCB đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, đánh dấu khởi đầu mới trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên.

Theo đó, NCB và Sungroup sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau nhằm khai thác tối đa tiềm năng, tạo ra hiệu quả kinh doanh, tăng cường vị thế và sức cạnh tranh của mỗi bên.

Sungroup là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bất động sản và đầu tư hạ tầng.

Ở chiều ngược lại, NCB có hoạt động kinh doanh chưa thực sự tốt. Trong quý II/2022, NCB báo lỗ và có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, NCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 19 tỷ đồng, giảm 84,8% so với cùng kỳ. Tổng tài sản ở mức khiêm tốn, hơn 75 nghìn tỷ đồng. Tới cuối quý II/2022, NCB ghi nhận nợ xấu tăng mạnh từ mức chưa tới 1.250 tỷ lên 4.900 tỷ đồng, tương đương mức tăng 4 lần.

Tỷ lệ nợ xấu của NVB rất cao. (Biểu đồ: M. Hà)

Gần đây, các ngân hàng dồn dập tăng vốn, đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế và tín hiệu Việt Nam trở thành điểm sáng sau nhiều bất ổn trên thế giới, từ đại dịch cho đến xung đột địa chính trị.

Từ đầu năm tới nay, có cả chục ngân hàng công bố tăng vốn, với tổng vốn điều lệ lên thêm khoảng trên 100 nghìn tỷ đồng. Việc tăng vốn cũng giúp các ngân hàng được nới hạn mức tín dụng.

HDBank (HDB) của nữ Phó chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 5.030 tỷ đồng lên trên 25,3 nghìn tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%.

Đầu tháng 8/2022, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) của Madam Nguyễn Thị Nga cũng chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 20 nghìn tỷ đồng (từ mức gần 16,6 nghìn tỷ đồng) thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2022. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) hồi cuối tháng 7/2022 đã công bố Nghị quyết của HĐQT về việc tăng vốn điều lệ lên 20 nghìn tỷ đồng.

VPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.

Rất nhiều ngân hàng tư nhân ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong gần một thập kỷ qua, ở nhiều phương diện, từ tín dụng, lợi nhuận cho đến tài sản như: VPBank, Techcombank, MBBank, SHB…

Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh trong cả thập kỷ qua. Trong năm 2022, mặc dù thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng cao, hút dòng vốn đầu tư lớn.

Dự báo, trong năm 2022, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 7,5% sau khi đạt 7,7% trong quý II cho dù cả thế giới gặp khó khăn vì lạm phát cao và tác động tiêu cực hậu đại dịch Covid-19. Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III đạt 10,8%.

Quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam khá vững chắc và có tín hiệu lan tỏa. Theo Standard Chartered, quá trình hồi phục của nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, đặc biệt khi lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại sau 2 năm đóng cửa.

Rủi ro ở mức cao 

Theo YSVN, thị trường có thể tiếp tục “sideways” và VN-Index biến động trong vùng 1.240-1.255 điểm trong phiên giao dịch 16/9. Đồng thời, khối lượng giao dịch có thể tăng nhẹ do ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF, nhưng khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp do tâm lý nhà đầu tư còn bi quan với diễn biến hiện tại khi các nhà đầu tư đang chờ đợi động thái của Fed trong cuộc họp ngày 21/9. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên cần quan sát thêm để đánh giá khả năng giữ được mức hỗ trợ 1.240 điểm của VN-Index.

Còn theo BSC, trong phiên 15/9, VN-Index hình thành một cây nến Doji. Thị trường mở cửa với gap dương, giằng co trong biên độ hẹp cùng thanh khoản thấp. Hiện tại, thị trường chưa rõ xu hướng, VN-Index có thể tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.240-1.250 trong những phiên tới.

Chốt phiên giao dịch 15/9, chỉ số VN-Index tăng 4,89 điểm lên 1.245,66 điểm. HNX-Index tăng 0,27 điểm lên 279,69 điểm. Upcom-Index tăng 0,11 điểm lên 90,27 điểm. Thanh khoản đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có 11,3 nghìn tỷ đồng trên HoSE.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Ông lớn' xuất hiện, ngân hàng dồn dập tăng vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO