Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, gần đây nhiều quốc gia ghi nhận hàng loạt trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em dù trước đó khỏe mạnh. Số ca bệnh và số quốc gia phát hiện bệnh hiện ngày càng gia tăng.
Triệu chứng ở giai đoạn khởi phát là đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…, sau đó là giai đoạn toàn phát với vàng mắt, vàng da, tiểu sậm màu, viêm gan nặng (men gan tăng rất cao).
Trước những thông tin trên, bác sĩ Khanh cho rằng, người dân cần bình tĩnh vì thực tế cho thấy trẻ em ở Việt Nam cũng có tỉ lệ trẻ bị các bệnh lý về gan, có nhiều trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân hoặc có bệnh lý nền chuyển viêm gan, những trường hợp này đối với các bác sĩ là chuyện bình thường.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định, với con số 400 ca bệnh được ghi nhận trên thế giới nhưng chưa tìm ra nguyên nhân nên các nhà khoa học hiện vẫn đang làm nghiên cứu và chỉ hướng nghi ngờ viêm gan bí ẩn là do Adeno type 41 gây ra.
Virus Adeno type 41 lây theo đường hô hấp, nếu khả năng lây lan nhanh thì con số không còn khoảng 400 ca được ghi nhận hiện nay mà phải hơn. Vì thế, bác sĩ Khanh chia sẻ, chỉ có những cơ địa đặc biệt trẻ mới có nguy cơ cao bị mắc bệnh viêm gan bí ẩn. Phụ huynh không nên vì quá lo lắng, thấy con có những biểu hiện như: Tiêu chảy, sốt, đau bung là đưa đi khám. Khi thấy trẻ bị vàng da mới nên đưa đi khám và tầm soát bệnh.
Đồng thời, nhiều phụ huynh cho rằng việc những trẻ từng mắc COVID-19 là nguyên nhân lớn mắc bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này không hợp lý và chưa có nghiên cứu nào khẳng định.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, virus Adeno gây viêm gan là chủng của người, còn virus Adeno của vaccine COVID-19 là chủng lấy từ hắc tinh tinh, đã được xử lý để không còn khả năng nhân bản (vaccine vector virus).
“Hai chủng virus này không liên quan nhau nên vaccine không thể là nguyên nhân gây bệnh gan cấp tính. Hơn thế, trẻ nhỏ được tiêm vaccine COVID-19 mRNA, không phải vaccine vector virus”, PGS Dũng nhận định.