10h ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp), nhiều gia đình dắt theo trẻ nhỏ đến thả cá chép tại khu vực hồ Tây, cầu Long Biên, hồ Giảng võ... (Ảnh: Thành Đông).
Tranh thủ giờ nghỉ, Trung sĩ Đoàn Văn Tiệp cùng đồng đội (đang là lính nghĩa vụ đóng quân trên địa bàn Thủ đô) đem 2 túi cá vàng tới hồ Tây phóng sinh (Ảnh: Thành Đông).
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày lễ cúng 23 tháng Chạp là dịp các gia đình Việt Nam tiễn ''thần bếp'' lên chầu trời, cá chép là "phương tiện" đưa ông Công ông Táo lên thiên đình báo cáo công việc suốt một năm qua (Ảnh: Thành Đông).
Hàng năm, khu vực gần Chùa Trấn Quốc nằm trong những điểm thả cá chép quen thuộc của người dân Hà Nội. Năm nay, Công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) đã tổ chức hỗ trợ người dân tập trung cá vàng, mang ra sông Hồng thả, tránh ô nhiễm môi trường (Ảnh: Thành Đông).
Như thường lệ, tới ngày tiễn ông Táo về trời, các bạn trẻ của câu lạc bộ "Đường Táo Quân" đã có mặt tại Cầu Long Biên với những banner, biểu ngữ tuyên truyền vận động người dân "Thả cá đừng thả túi nilon" để bảo vệ môi trường (Ảnh: Mạnh Quân).
Nhiều người đã gửi gắm việc thả cá tới tay thành viên trong nhóm bằng cách dưa cá vào xô nhựa rồi thả dây từ mặt cầu Long Biên đưa xuống sát mặt nước sông Hồng (Ảnh: Mạnh Quân).
Đây là năm thứ 5 chị Thùy Dương (28 tuổi) đảm nhận trách nhiệm thả cá chép cho cơ quan ở hồ Giảng Võ (quận Ba Đình). Với chị, hoạt động này chứa đựng nhiều ý nghĩa, mang lại may mắn cho năm mới (Ảnh: Thành Đông).
Ngay từ tối hôm trước, Tuấn Tú (11 tuổi) xin phép ngày hôm nay được đi thả cá vàng cùng ông nội và mẹ. Ông nội của Tú cho biết: "Tú rất ham học hỏi, thích khám phá, tôi cho cháu đi để hiểu về những phong tục truyền thống của dân tộc ta" (Ảnh: Thành Đông).
Chị Nguyễn Ngọc Phương Khuyên đi thả cá cùng chồng sắp cưới, anh Shpakau Aliaksanrn (quốc tịch Belarus) ở hồ Giảng Võ.
"Đây là lần đầu tôi được thả cá, tôi cảm thấy văn hóa này rất ấm áp. Do chưa ở Việt Nam lâu nên tôi chưa hiểu hết được các phong tục truyền thống", anh Shpakau Aliaksanrn chia sẻ (Ảnh: Thành Đông).