'Ngủ ngày cày đêm': Thói quen bào mòn sức khỏe của sinh viên

An Thanh| 18/08/2023 19:18

“Ngày ngủ đêm bay” đang trở xu hướng được giới trẻ ưa chuộng, ban ngày lờ đờ đi làm, đêm xuống lại sống hăng say. Thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, làm việc mà còn gây ra nhiều vấn đề xã hội và tâm lý.

z4615103453237_53db965f7ca2d00383394c93e428d4a2.jpg
Giới trẻ có thói quen thức đêm và ngủ ngày. (Ảnh: sưu tầm)

Thời đại 4.0 với sự phát triển không ngừng của công nghệ và thông tin đã tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong lối sống của con người. Sự hiện đại kéo theo những vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, phát sinh điển hình như lối sống làm “cú đêm” của sinh viên.

Dường như việc cày cuốc đêm khuya và thức dậy sau cả đêm làm việc đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống đại học. Tuy nhiên, thói quen này đang bào mòn nhanh chóng sức khỏe của các sinh viên, gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với hiệu suất học tập mà còn cả tương lai và chất lượng cuộc sống của họ.

Thói quen làm “cú đêm”


Có rất nhiều nguyên nhân xoay quanh việc thức khuya của giới trẻ. Nhưng hầu hết các bạn chỉ đề cập đến những lý chủ yếu như áp lực học tập, công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân khác mà họ không nhắc đến như đi chơi khuya, tán gẫu trên mạng, lướt Facebook hoặc "cày" phim, "cày" game…

Nói về nguyên nhân thức khuya, Nguyễn Thị Lệ (Sinh viên năm 3, trường Đại học KHXH và Nhân văn TP.HCM) có thói quen thường xuyên thức khuya để giải quyết các công việc cá nhân hoặc làm bài tập. “Ngành học của mình bình thường đã có rất nhiều bài tập, đến thời gian thi giữa kỳ hay cuối kỳ thì nhiều gấp đôi. Ban ngày vừa phải đi học rồi tham gia câu lạc bộ nên mình không có thời gian để ôn bài. Bởi vậy, thức đêm giúp mình có thêm nhiều thời gian hơn”, cô bạn chia sẻ.

Lệ cho rằng, cô bạn có thể học tập hiệu quả hơn vào ban đêm, khi không bị phân tâm bởi tiếng ồn hay các hoạt động xung quanh: “So với học vào ban ngày thì mình cảm thấy tỉnh táo và nhanh nhớ hơn vào ban đêm. Không gian ban đêm vừa yên tĩnh vừa mát mẻ, mình cảm thấy thoải mái và dễ dàng chiêm nghiệm, nghiền ngẫm các kiến thức một cách sâu hơn. Mình cũng có thể tập trung vào nội dung cần học mà không bị gián đoạn hay xao nhãng bởi các hoạt động xung quanh, như tivi, điện thoại, bạn bè, gia đình,...”.

Võ Thị Minh Nhi (Sinh viên năm nhất, trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cũng có thói quen thức khuya đến 1-2 giờ sáng. Có những ngày quá đà, cô bạn thức đến 3-4 giờ sáng, sau đó thức dậy lúc 7 giờ sáng để đi học và chiều về lại phải làm thêm đến tận khuya.

“Mình đi làm thêm đến khuya, có lúc 12h đêm chưa về đến phòng. Tắm rửa, ăn uống, giặt giũ xong hết cũng thấm thoát 1 - 2 giờ sáng. Lúc đấy mới có thời gian rảnh để giải trí, thư giãn sau một ngày căng thẳng. Thường thì mình sẽ chơi game hoặc xem phim… để giải tỏa stress và tìm kiếm niềm vui. Dần dần mình cũng quen rồi, có những hôm muốn mệt người, muốn đi ngủ sớm cũng không thể ngủ được”, Minh Nhi bộc bạch.

Một số sinh viên khác lại do ảnh hưởng của bạn bè hoặc môi trường sống. Như trường hợp của Hoàng Thùy Linh (Sinh viên năm 2, trường Đại học KHTN - ĐHQG TP.HCM), cô bạn không phải là người hay thức khuya nhưng do bị ảnh hưởng theo giờ giấc sinh hoạt không bài bản của bạn cùng phòng nên hôm nào cũng ngủ muộn.

“Hôm nào mình cũng tự hứa với lòng là phải đi ngủ sớm để sáng hôm sau có sức đi học. Nhưng hôm nào cũng không làm được, nằm xuống lướt điện thoại, lật qua lật lại một hồi nhìn lại đồng hồ đã là 1 giờ sáng. Qua ngày hôm sau cả người mình rệu rã, mắt lờ đờ, không có chút năng lượng nào luôn”, Thùy Linh tâm sự.

Không chỉ riêng Thùy Linh gặp tình trạng mệt mỏi do thức khuya. Sức khỏe của Minh Nhi cũng bị ảnh hưởng do thói quen thức đêm. Minh Nhi cho hay: “Thức khuya làm cho mình không đủ sức để đi học hay làm vào ngày hôm sau. Chưa kể, thời gian gần đây mình còn bị rụng tóc, da mình cũng bắt đầu xấu đi dù mình cũng dùng khá nhiều mỹ phẩm”.

Sức khỏe bị bào mòn


Thói quen thức khuya nếu được duy trì trong một thời gian dài sẽ là mối nguy hiểm khi nó đang dần âm thầm giết chết cơ thể mỗi người. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngủ sau 23h đêm sẽ khiến cơ thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Rối loạn nhịp sinh học


Theo các chuyên gia y tế, cơ thể con người có một đồng hồ sinh học riêng, điều chỉnh các hoạt động nội tiết và sinh lý theo chu kỳ 24 giờ. Đồng hồ sinh học này phụ thuộc vào ánh sáng tự nhiên và giấc ngủ. Việc thức khuya và ngủ ngày sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học gây ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa, bài tiết, miễn dịch và tái tạo của cơ thể.

Một số quá trình quan trọng của cơ thể diễn ra vào buổi tối và ban đêm như sau:
Từ 21 – 23 giờ: Hệ miễn dịch đào thải chất độc. Lúc này, bạn nên giữ trạng thái yên tĩnh.
Từ 23 – 1 giờ sáng: Gan bài tiết chất độc. Quá trình này cần tiến hành trong khi cơ thể ngủ say.
Từ 0 – 1 giờ sáng: Cơ thể rơi vào trạng thái ngủ thật sự. Do đó, bạn nên ngủ trước đó 1 – 2 giờ để đến 0 – 1 giờ thì bạn đã chìm vào giấc ngủ.
Từ 1 – 3 giờ sáng: Mật bài tiết chất độc. Quá trình này cũng cần tiến hành trong khi ngủ say.
Từ 3 – 5 giờ sáng: Phổi bài tiết chất độc. Vì thế, những người đang mắc bệnh ho thường ho dữ dội vào khoảng thời gian này.
Từ 12 – 4 giờ sáng: Tủy sống tạo máu. Do đó, bạn cần ngủ say, không nên thức khuya.
Nếu bạn không tuân theo chu kỳ tự nhiên này, bạn sẽ làm cho cơ thể không có cơ hội bài tiết chất thải và tái tạo tế bào, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

Giảm khả năng miễn dịch


Thức đêm sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh. Giấc ngủ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con người. Nếu đang bắt đầu bị bệnh và không ngủ ngon giấc, có thể làm cho tình hình trở nên nặng hơn vì cơ thể không đủ thời gian để chống lại bệnh tật hoặc nhiễm trùng.

Những người ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có khả năng mắc cảm lạnh cao gấp ba lần so với những người ngủ 8 giờ hoặc hơn. Ngoài ra, thiếu ngủ còn làm giảm khả năng phản ứng của vaccine và làm chậm quá trình phục hồi sau khi bị thương.

Tăng nguy cơ bệnh tim


Thức đêm ngủ ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, như cao
huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Những người thay đổi giờ ngủ vào cuối tuần có nguy cơ bệnh tim cao hơn so với những người duy trì lịch ngủ điều độ.

Một nghiên cứu khác của Đại học Harvard cho thấy rằng những người làm ca đêm có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn 41% so với những người làm ca ban ngày. Nguyên nhân là do thức đêm làm tăng lượng cortisol trong máu, gây ra sự căng thẳng và viêm nhiễm cho cơ thể. Đồng thời, thức đêm cũng làm tăng lượng đường trong máu và cholesterol xấu, gây ra các vấn đề cho mạch máu và tim.

Gây béo phì và tiểu đường


Một tác hại khác của việc thức đêm ngủ ngày là gây ra béo phì và tiểu đường. Người thức khuya có xu hướng ăn uống không kiểm soát, ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt, hay uống nhiều chất kích thích như cà phê, trà, nước ngọt. Điều này sẽ làm tăng lượng calo và chất béo vào cơ thể, gây ra tình trạng tăng cân và béo phì.

Bên cạnh đó, thiếu ngủ sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa glucose của cơ thể, gây ra tình trạng tăng đường huyết. Một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy rằng những người chỉ ngủ 4 giờ mỗi đêm trong 6 ngày liên tiếp có khả năng tiêu hóa glucose giảm xuống 40% so với bình thường. Điều này có thể dẫn đến tiểu đường tuýp 2 và các biến chứng khác.

Gây trầm cảm


Thức đêm ngủ ngày không chỉ gây hại cho sức khỏe thể chất mà còn gây hại cho sức khỏe tinh thần. Những người thức đêm ngủ ngày có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn so với những người ngủ đủ giấc. Điều này có thể do việc thiếu ngủ làm giảm lượng serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm xúc và tâm trạng. Ngoài ra, khi bạn thức đêm, bạn sẽ bị cô lập với môi trường xung quanh, gây ra cảm giác buồn chán, thiếu hứng thú và năng lượng.

Một nghiên cứu của Đại học Binghamton cho thấy rằng những người thức khuya và ngủ ít hơn 8 giờ mỗi đêm có khả năng mắc trầm cảm cao hơn 3 lần so với những người ngủ sớm và ngủ đủ 8 giờ. Một nghiên cứu khác của Đại học Warwick cho thấy rằng những người làm ca đêm có nguy cơ tự tử cao hơn 29% so với những người làm ca ban ngày.

Giảm khả năng học tập và làm việc


Thức đêm làm giảm khả năng học tập và làm việc của mỗi người do mất tập trung, ghi nhớ, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Người không ngủ đủ giấc sẽ dễ bị sao nhãng, quên lãng, lầm lỗi và chậm chạp. Không thể hiểu được những kiến thức mới hay hoàn thành những công việc quan trọng.

Thiếu ngủ còn làm giảm khả năng ghi nhớ thông tin mới của não bộ. Điều này do việc thiếu ngủ làm suy yếu hoạt động của vùng não bộ trước trán, liên quan đến khả năng xử lý thông tin. Đồng thời, thiếu ngủ cũng làm tăng hoạt động của vùng não bộ trung tâm, liên quan đến cảm xúc tiêu cực. Thậm chí, thiếu ngủ làm giảm khả năng sáng tạo của con người do việc thiếu ngủ làm suy yếu hoạt động của vùng não bộ phải, liên quan đến khả năng tưởng tượng và phát minh.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Ngủ ngày cày đêm': Thói quen bào mòn sức khỏe của sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO