Ngành sữa ‘than khổ’ vì đường, kiến nghị lên Phó Thủ tướng

07/10/2022 19:26

Đường nội cung không đủ cầu, giá đường ngoại lại cao khiến ngành sữa gặp khó trong sản xuất. Bởi vậy, Hiệp hội sữa Việt Nam vừa có công văn gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị về các chính sách liên quan đến đường nhập khẩu.

Công văn nêu rõ, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức lần lượt là 42,99% và 4,65%.

Đầu tháng 8 năm nay, Bộ Công Thương cũng quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar trên cơ sở mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được quy định tại Quyết định 1578.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, để đảm bảo nhu cầu sữa cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến sữa Việt Nam có nhu cầu lớn về đường nhằm đáp ứng sản xuất.

Ngành sữa gặp khó vì giá đường nhập khẩu tăng cao. (Ảnh: Hoàng Hà)

Tuy nhiên, việc áp dụng các khoản thuế bổ sung nêu trên tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, trực tiếp làm cho giá đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao, trong khi sản lượng đường nội địa nhiều năm qua không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước. Từ đó, làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, đẩy giá thành của sản phẩm lên cao, gây ra nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất - kinh doanh sữa trong nước phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, nhiều thành viên của Hiệp hội Sữa nhận thấy, thay vì chú trọng vào các biện pháp phòng vệ thương mại như hiện nay, Chính phủ có thể cân nhắc ban hành các chính sách mang tính định hướng chiến lược đối với ngành mía đường nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thực tế cho thấy, các biện pháp phòng vệ thương mại thường chỉ mang lại tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất ngành mía đường trong nước nhưng lại tác động và ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có sử dụng đường như một nguyên liệu để sản xuất...

Từ những khó khăn trên, Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị Chính phủ tăng cường thiết lập cơ chế nhập khẩu đối với đường thô và đường tinh luyện linh hoạt hơn so với các chính sách hiện hành.

Đối với số lượng và số đợt tổ chức đấu giá giao hạn ngạch, theo tính toán của Hiệp hội, tổng nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước ước đạt gần 2 triệu tấn; tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đường trong nước sản xuất chỉ ước đạt 741 nghìn tấn, tổng sản lượng đường nhập khẩu từ tháng 1/2022 đến tháng tháng 6/2022 ước khoảng 600 nghìn tấn.

Để bù đắp lượng đường thiếu hụt, Hiệp hội Sữa kiến nghị bổ sung lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thêm 600-800 tấn nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước (tỷ lệ phân bổ 70% đường thô và 30% đường tinh luyện).

Ngoài ra, cần tổ chức thêm 2 đợt đấu giá giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường vào tháng 10 và tháng 11 năm nay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngành sữa ‘than khổ’ vì đường, kiến nghị lên Phó Thủ tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO