Nền kinh tế Việt Nam trong quý 2 năm 2023 cho thấy một số dấu hiệu cải thiện so với Quý 1, được thể hiện qua chỉ số tăng GDP tăng cao và chỉ số CPI bình quân tăng 2.41% so với cùng kỳ. Tuy vậy, việc CPI giảm nhẹ vẫn không đủ để khôi phục niềm tin của một nhóm người tiêu dùng đối mặt với áp lực tăng giá và ngày càng dè dặt trong chi tiêu, Kantar cho biết.
Tốc độ tăng trưởng giá trị FMCG trong quý 2 năm 2023 đạt 8% ở khu vực thành thị 4 thành phố chính và 10% ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giá trị FMCG đang trên đà giảm do khối lượng mua giảm trong các ngành thực phẩm và đồ uống, trong khi đó các điểm sáng tập trung vào các ngành ngoài thực phẩm. Dự báo ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.
Các điểm đáng chú ý của thị trường FMCG trong Quý 2/2023:
1. Các chỉ số kinh tế
Nền kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong quý 2 năm 2023, đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 4.14% so với 3.23% trong quý 1, báo hiệu một nửa cuối năm 2023 khởi sắc hơn. Lạm phát đang trong tầm kiểm soát với CPI tăng 2.4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế nói chung nửa đầu năm vẫn còn mờ nhạt. Nửa cuối năm 2023 vẫn sẽ còn nhiều thách thức do tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn và nhu cầu tiêu dùng yếu do áp lực giá tăng.
2. Các hộ gia đình và áp lực tài chính
Hơn một phần tư các hộ gia đình vẫn đang đối mặt với khó khăn về tài chính. Từ quý 4 năm 2019 đến quý 2 năm 2023, số lượng gia đình phải cắt giảm chi tiêu đã tăng đáng kể từ 19% lên 28%. Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại vẫn chưa đủ để khôi phục sức mua của người tiêu dùng do tâm lý lo ngại về công việc và thu nhập vẫn tiếp tục gia tăng.
3. Bức tranh FMCG
Mặc dù lạm phát và tăng giá có dấu hiệu giảm nhiệt, tốc độ tăng trưởng giá trị hàng hóa tiêu dùng của hộ gia đình đang trên đà đi xuống và dự báo sẽ tiếp tục tăng chậm lại trong thời gian tới. Mặt khác, tổng khối lượng mua hàng tăng mạnh ở nông thôn, nhất là các ngành hàng ngoài thực phẩm như chăm sóc cá nhân và chăm sóc nhà cửa.
4. Toàn cảnh thị trường bán lẻ
Các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợị tiếp tục tăng trưởng hai con số trong đóng góp tổng giá trị toàn ngành. Cửa hàng chuyên doanh cũng bứt tốc mạnh mẽ, dẫn dầu về tốc độ tăng trưởng trong các kênh mua sắm truyền thống.
5. Hiệu quả của các chương trình khuyến mãi
Nhằm đối phó với giá cả tăng cao, nhiều người tiêu dùng đang chủ động so sánh giá giữa các kênh (bao gồm các kênh mua sắm trực tuyến) để tìm ra các ưu đãi tốt nhất. Điều này gây tác động lớn đến các lựa chọn mua hàng, đóng góp vào sự tăng trưởng 30% trong tổng giá trị các sản phẩm FMCG mua có khuyến mãi theo thống kê trong ba tháng từ tháng 3-5 năm 2023.
Tuy nhiên, không phải ngành hàng nào cũng hưởng lợi từ các chương trình giảm giá. Thương hiệu và các nhà sản xuất FMCG cần hiểu rõ mỗi chương trình khuyến mãi mang lại tác động như thế nào lên nhãn hàng và ngành hàng, Kantar cho biết thêm.