Hơn một nửa thế kỷ sau khi kết thúc "kỷ nguyên Apollo" của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) với sáu lần đưa con người lên Mặt Trăng, NASA đặt mục tiêu thực hiện bước nhảy vọt mới, đưa con người lên Mặt Trăng một lần nữa với kế hoạch phóng thử siêu tên lửa thế hệ mới và tàu vũ trụ Orion được thiết kế dành cho các phi hành đoàn, tại Florida vào ngày 29/8 tới.
Vụ phóng tàu vũ trụ Orion bằng tên lửa cực mạnh mang tên Hệ thống phóng không gian (SLS) dự kiến được thực hiện từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral thuộc bang Florida với sứ mệnh thử nghiệm có tên gọi Artemis I, theo đó đưa khoang tàu không có phi hành đoàn bay xung quanh Mặt Trăng và trở lại Trái Đất trong vòng sáu tuần.
Vụ phóng này sẽ là bài thử nghiệm nghiêm ngặt trên thực tế đối với SLS trước khi siêu tên lửa này được đánh giá là sẵn sàng đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng.
Phát biểu tại cuộc họp báo tối 22/8, Giám đốc trung tâm vũ trụ Kennedy, ông Robert Cabana, tuyên bố trung tâm này đã sẵn sàng tiến hành vụ phóng với siêu tên lửa SLS - được đánh giá là tên lửa đẩy mạnh nhất và có cấu tạo phức tạp nhất thế giới.
SLS, cao 98m, là một hệ thống phóng thẳng đứng mới và lớn nhất của NASA được lắp ráp kể từ sau khi tên lửa đẩy Saturn V được sử dụng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng Apollo của cơ quan này vào giai đoạn 1969-1972.
Uớc tính, NASA đã phải chi ít nhất 37 tỷ USD cho thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm và các hệ thống vận hành dưới mặt đất liên quan tới tàu vũ trụ Orion và siêu tên lửa SLS trong hơn một thập kỷ qua.
Giám đốc NASA Bill Nelson đã ví chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis là "một động cơ kinh tế," đồng thời lưu ý rằng chỉ riêng trong năm 2019, chương trình này đã giúp gặt hái 14 tỷ USD trong lĩnh vực thương mại và tạo việc làm cho 70.000 người tại Mỹ.
Chương trình này không chỉ nhằm mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng để thiết lập căn cứ lâu dài, mà còn là tiền đề cho việc khám phá Sao Hỏa./.