Ngày 1/10, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 - Quân khu 4 và Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã có mặt tại xã Thanh Mỹ để triển khai công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra (Ảnh: T. Mỹ).
Từ đêm 28/9, mưa lớn kéo dài cộng với thủy điện thượng nguồn xả lũ, xã miền núi Thanh Mỹ đã bị nhấn chìm trong biển nước (Ảnh: T. Mỹ).
Mực nước lũ dâng cao đến 1,5m chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ, thấp hơn đỉnh lũ năm 2020. Tuy nhiên, do nước lũ dâng nhanh, nhiều hộ dân không kịp trở tay. "Nước từ khe chảy ào ào xuống, mưa lớn, lũ lên quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp di dời một số vật dụng lên gác rồi gọi chính quyền hỗ trợ đưa sang nhà văn hóa, còn nhiều đồ dùng, xe cộ, tài sản không kịp sơ tán, phải chấp nhận bị lũ nhấn chìm", bà Nguyễn Thị Thuận (xóm Mỹ Hương, xã Thanh Mỹ) cho biết.
Sáng 1/10, nước lũ đã rút, tuy nhiên trên địa bàn xã Thanh Mỹ vẫn còn mưa, lượng mưa đã giảm nhiều so với những ngày trước đó. 150 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 cùng nhiều phương tiện, thiết bị cơ động đến xã Thanh Mỹ, thực hiện nhiệm vụ giúp chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả của cơn lũ (Ảnh: Hoàng Lam).
Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho biết: "Đến sáng 1/10, lũ tại các xã vùng thấp của địa phương đang có dấu hiệu rút. Đối với các xã đã rút lũ, chính quyền địa phương vận động nhân dân cùng lực lượng tại chỗ nhanh chóng thu dọn, khắc phục hậu quả để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ gia đình chính sách, người già, neo đơn. Với những địa phương bị ngập nặng, huyện sẽ huy động sự giúp đỡ của các đơn vị lực lượng vũ trang hỗ trợ khắc phục".
Trong ảnh là Đại tá Lê Doãn Anh (ngoài cùng bên trái) - Phó Chính ủy Sư đoàn 324 - cùng cán bộ, chiến sĩ giúp địa phương dọn lũ (Ảnh: Hoàng Lam).
Chợ Thanh Mỹ là khu vực bị ngập lụt nặng nhất xã, nhiều tiểu thương chỉ kịp thu dọn một phần hàng hóa trước khi cơn lũ ập đến. Sáng 1/10, nước đã rút nhưng hoạt động kinh doanh buôn bán vẫn đang bị ngưng trệ. Các lực lượng tình nguyện giúp bà con vệ sinh nền chợ để sớm hoạt động trở lại (Ảnh: Hoàng Lam).
Một lượng lớn rác thải theo dòng nước lũ tràn vào chợ, tấp thành từng đống đã được công an, bộ đội thu dọn để đảm bảo môi trường cảnh quan (Ảnh: Hoàng Lam).
Đến sáng 1/10, địa bàn xã Thanh Mỹ vẫn chưa có điện trở lại. Các lực lượng tình nguyện phải sử dụng máy phát điện để bơm nước hoặc xách nước dội rửa, vệ sinh môi trường. Trong ảnh là cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 và dân quân tự vệ xã Thanh Mỹ dọn dẹp vệ sinh sau lũ tại trạm y tế (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo ông Nguyễn Thế Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Mỹ - thì ngoài khu vực chợ, trụ sở trạm y tế, trường học, toàn xã có 500 hộ dân bị ngập nặng, hư hỏng tài sản, cần được hỗ trợ dọn dẹp để sớm ổn định cuộc sống.
Hộ chị Nguyễn Thị Thúy Bình neo người, bố mẹ già yếu, khi cơn lũ lên quá nhanh không kịp thu dọn, sơ tán tài sản nên nhiều vật dụng chìm trong nước. Sáng 1/10, các lực lượng tình nguyện đã có mặt, cùng gia đình vận chuyển đồ đạc ra ngoài, bơm nước dọn rửa, vệ sinh sàn nhà và các vật dụng khác. "Cảm ơn các đồng chí đã đến với chúng tôi lúc này", chị Bình xúc động chia sẻ.
Trong những ngày tới, Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An và công an các địa phương phối hợp lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân toàn huyện khắc phục hậu quả cơn lũ theo phương châm nước rút tới đâu, khắc phục tới đó (Ảnh: Hoàng Lam).
Cùng với việc khắc phục hậu quả ngập lụt, công tác xử lý môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh cũng sẽ được triển khai ngay khi nước rút, hạn chế thấp nhất khả năng bùng phát dịch bệnh sau lũ (Ảnh: Hoàng Lam).
Mặc dù được đánh giá là không lớn như cơn lũ tháng 10/2020 nhưng tình trạng ngập lụt trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng tới nhiều hộ kinh doanh và nhiều địa phương các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc...
Tính đến ngày 1/10, toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 7 người tử vong do lũ, gần 13.000 căn nhà bị ngập, hơn 2.000 hộ dân phải di dời, 1.500 hộ dân bị chia cắt, nhiều công trình, đường giao thông, diện tích cây trồng, vật nuôi bị hư hỏng, cuốn trôi... (Ảnh: Hoàng Lam).