Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Với việc đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần giai đoạn 2 vào ngày 1/1/2023, cộng với việc 9 dự án thành phần giai đoạn 1 đang gấp rút hoàn thành, đại dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được nối thông vào năm 2025.
Cho đến nay, toàn bộ 25 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Trong đó, 14/25 gói thầu đã lựa chọn được nhà thầu xây lắp, thương thảo, ký hợp đồng trong tháng 12/2022.
Ngày 1/1/2023, 12 gói thầu đầu tiên đồng loạt khởi công. 13 gói thầu còn lại, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành các thủ tục, tổ chức thi công trước Tết Quý Mão.
Loạt dự án cao tốc miền Tây
Ban QLDA Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết sẽ khởi công hai dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau trong tháng 1/2023 và triển khai thi công đồng loạt đạt sản lượng trên 35%.
Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).
Dự án này có chiều dài hơn 37km, có điểm đầu giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu - Quốc lộ 1 (thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), điểm cuối giao với điểm đầu dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng.
Đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km đi qua 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, với tổng mức đầu tư hơn 17.150 tỷ đồng.
Dự án có điểm đầu Km53+000 kết nối vào điểm cuối dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Điểm cuối Km126+223 giao với đường hành lang ven biển phía Nam thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Diện tích đất sử dụng khoảng 590,9 ha, đi qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Trên toàn tuyến có 86 công trình cầu, trong đó 62 cầu trên đường cao tốc, 12 cầu trên tuyến nối, 10 cầu trong các nhánh nút giao liên thông, 2 cầu trên đường gom.
Đồng thời, Ban QLDA Mỹ Thuận cũng sẽ ký hợp đồng cầu chính dự án cầu Rạch Miễu 2 trong tháng 2/2023, phối hợp địa phương để bàn giao mặt bằng đạt tối thiểu 90% trong quý II/2023, triển khai thi công đồng loạt đạt sản lượng trên 30%.
Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô
Vành đai 4 Vùng Thủ đô là vành đai liên vùng, kết nối Hà Nội với các địa phương, tạo ra không gian tăng trưởng mới, đưa Hà Nội - Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục là động lực dẫn dắt nền kinh tế cả nước.
Theo thiết kế, đường vành đai 4 Hà Nội sẽ gồm 6 làn xe cao tốc và đường gom đô thị. Mặt đường rộng từ 90m đến 135m. Chiều dài toàn tuyến là 136,6km; đi qua 16 quận, huyện, thị xã, thành phố gồm: Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn (Hà Nội), Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm, Khoái Châu (Hưng Yên); Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành (Bắc Ninh).
Đường vành đai 4 sẽ vượt các sông Hồng, sông Đuống.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 85.800 tỷ đồng.
Chính phủ yêu cầu ba địa phương lập, thẩm tra, phê duyệt dự án thành phần trước 31/1/2023 và khởi công vào tháng 6/2023.
Dự án Vành đai 3 TPHCM
Dự án Vành đai 3 TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội cho TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuyến Vành đai 3 thuộc địa phận TPHCM dài 47km, đi qua TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.
Tại tỉnh Bình Dương, dự án dài khoảng 10,75km, đi qua địa bàn thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An.
Ở tỉnh Long An, dự án có chiều dài hơn 6,8km, chủ yếu đi qua 2 xã Mỹ Yên và Tân Bửu của huyện Bến Lức.
Riêng tỉnh Đồng Nai, dự án chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm 2 dự án thành phần, tổng chiều dài khoảng 34,4km.
Dự kiến khởi công dự án vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành, thông xe phần cao tốc năm 2025.