Nhiều khách hàng cho biết nếu muốn vay mua ôtô phải mua thêm gói bảo hiểm bắt buộc do ngân hàng yêu cầu. Ảnh: T.L. |
Anh Huy Vương (TP.HCM) chia sẻ do cần mua xe trong năm 2022 để phục vụ công việc nên anh đã đến ngân hàng T. để vay 400 triệu đồng. Anh Vương cho biết chưa từng được thông báo về việc phải mua bảo hiểm bắt buộc trong quá trình hoàn thành các thủ tục và thẩm định tài chính.
Không mua bảo hiểm không giải ngân
"Năm trước tôi có vay 400 triệu đồng để mua xe ở ngân hàng T. nhưng ngân hàng không báo trước với tôi là phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ từ công ty S. mới được vay. Mọi thủ tục gần như hoàn tất, xe cũng đã được bốc biển và đăng ký xong thì ngân hàng báo phải mua bảo hiểm để hoàn tất giải ngân", anh Vương chia sẻ thêm.
Tình trạng "ép" mua bảo hiểm gắn với các gói vay tiêu dùng vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Anh Vương cũng cho biết nếu ngân hàng không giải ngân sớm, anh sẽ không được bàn giao xe, mất tiền đã đặt cọc trước đó. Vì vậy để đảm bảo thủ tục có thể hoàn tất đúng thời hạn, anh Vương phải vay thêm hơn 12 triệu đồng để mua bảo hiểm.
"Do mọi chuyện rất gấp nên tôi đành phải vay thêm gần 12,2 triệu đồng để nộp mua bảo hiểm. Số tiền đó sẽ được ngân hàng tính lãi riêng", anh Vương cho biết thêm.
Trước đó khi chia sẻ với phóng viên, chuyên viên một ngân hàng khẳng định mọi khách hàng khi vay ngân hàng đều phải mua bảo hiểm khoản vay dưới dạng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm thân vỏ hay bảo hiểm thủy kích cho xe.
Người này lý giải gói bảo hiểm là sự đảm bảo cho chính khoản vay của khách hàng, bởi lẽ ngân hàng sẽ không thể lường trước những rủi ro có thể xảy ra cho khách hàng, từ đó liên quan đến tình trạng của khoản vay trong tương lai.
Không được hủy hợp đồng
Tương tự anh Vương, chị Phạm T. cũng gặp phải tình trạng không minh bạch thông tin về việc mua bảo hiểm khi vay mua xe tại ngân hàng V. Chị T. chia sẻ, tháng 11/2022 chị và gia đình có nhu cầu mua chiếc Hyundai Elantra nhưng chưa đủ nguồn tiền.
Chị T. được nhân viên tư vấn kinh doanh tại đại lý giới thiệu đến ngân hàng V. để thực hiện vay 538 triệu đồng. Trong quá trình chứng minh tài chính, ngân hàng đã yêu cầu chị V. mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ trị giá 20 triệu đồng để sớm được giải ngân.
Chị T. cho biết nhân viên ngân hàng "dọa" sẽ thu hồi khoản vay và không cấp bản sao giấy đăng ký xe nếu chị T. tự ý hủy hợp đồng bảo hiểm. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Tôi được nhân viên ngân hàng V. yêu cầu mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ của công ty A. mới được giải ngân. Tôi đã giải thích bản thân có bảo hiểm nhân thọ mua riêng từ trước rồi, nhưng ngân hàng không đồng ý. Vậy nên tôi phải trích thêm 20 triệu đồng để mua bảo hiểm theo yêu cầu của ngân hàng", chị T. chia sẻ.
Sau khi nhận xe, nhân viên chăm sóc khách hàng công ty bảo hiểm M. liên lạc và thông báo chị T. có quyền hủy hợp đồng bảo hiểm và nhận hoàn tiền trong 21 ngày nếu đổi ý. Chị T. quyết định hủy hợp đồng bảo hiểm và liên lạc đến ngân hàng, tuy nhiên, nhân viên ở đây cho biết gói bảo hiểm là bắt buộc, không thể hủy.
"Nhân viên tên H. nói với tôi gói bảo hiểm nhân thọ trên là bắt buộc, không được hủy. Nếu tôi hủy hợp đồng bảo hiểm, ngân hàng sẽ không cung cấp bản sao giấy đăng ký xe và thu hồi khoản vay của tôi", chị T. cho biết thêm.
Lãi suất tăng cao
Theo khảo sát của Zing, không chỉ gói bảo hiểm "bắt buộc" mà lãi suất tăng cao khi vay mua xe ở nhiều ngân hàng cũng gây khó khăn cho nhiều người dân nếu có nhu cầu mua ôtô trả góp.
Cụ thể, khi trao đổi với nhân viên tư vấn tại một ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, người này cho biết lãi suất trong năm đầu tiên đối với khách hàng mua ôtô dao động 11-12% tùy thuộc vào thời điểm giải ngân.
Trong khi đó tại một vài ngân hàng khác, mức lãi suất cho vay ở năm đầu tiên đã chạm ngưỡng 14%/năm.
Nhân viên các ngân hàng cho biết khách vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng như mua ôtô sẽ chịu hình thức lãi suất thả nổi. Ở hình thức này, trừ năm đầu tiên sở hữu mức lãi suất ưu đãi cố định, người vay phải chấp nhận lãi suất thay đổi trong các năm tiếp theo trong suốt thời hạn vay, bất kể tăng hay giảm.
Lãi suất tăng cao khiến nhiều người dân phân vân khi lựa chọn mua ôtô dưới hình thức trả góp. Ảnh: Phương Lâm. |
Chị Mỹ Linh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ chị và gia đình có dự định mua chiếc Toyota Camry để phục vụ việc đi lại cũng như công việc. Tuy nhiên, chị Linh và chồng đang khá băn khoăn trước mức lãi suất cao mà các ngân hàng đang áp dụng cho mục đích vay mua ôtô bên cạnh chi phí mua bảo hiểm nhân thọ bắt buộc được ngân hàng đề cập khi tư vấn.
"Khi tôi đi hỏi thông tin ở ngân hàng T., nhân viên cho biết thời điểm này lãi suất cố định năm đầu đã lên mức 12,5%. Tôi có tạm tính thì thấy mức lãi suất này gia đình vẫn cố được, nhưng những năm sau nếu lãi suất tăng thì sẽ nguy hiểm đến sức khỏe tài chính của hai vợ chồng. Ngoài ra nếu tôi muốn vay phải mua thêm gói bảo hiểm giá hơn 20 triệu đồng dù gia đình đã có sẵn bảo hiểm nhân thọ", chị Linh chia sẻ thêm.
Lượng lớn khách hàng lựa chọn hình thức mua xe trả góp thông qua ngân hàng nhằm trang trải một phần chi phí khi có nhu cầu sở hữu ôtô. Tuy nhiên, nhiều khách hàng dù thỏa điều kiện vay vốn nhưng vẫn không được giải ngân do chưa mua gói bảo hiểm theo yêu cầu từ ngân hàng.
Trước đó vào ngày 21/2, Bộ Tài chính cũng thông tin về tình trạng các công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng, ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay.
Đại diện Bộ Tài chính đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm giám sát, cải thiện hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng trong năm nay.
"Các cơ quan quản lý của Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm liên kết trái với quy định pháp luật...", Bộ nhấn mạnh.