Khai thác thị trường Thể thao điện tử - eSports: Từ nỗ lực đến hành động

Định Phạm (tổng hợp)| 29/08/2024 10:22

Không chỉ đơn thuần đồng hành giải đấu, Thể thao điện tử - eSports đã và đang được chính các doanh nghiệp mở hướng phát triển lâu dài cho những tiềm năng và thế mạnh mà nó mang đến cộng đồng.

Từ mở rộng hợp tác khai thác thị trường tiềm năng Thể thao điện tử - eSports

Với giá trị thị trường ước ​​đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2028, Thể thao điện tử - eSports hiện vẫn đang được xem là lĩnh vực không chỉ thu hút người dùng mà còn cho cả người xem trên toàn thế giới.

Tại Đông Nam Á nói riêng, khoảng 310 triệu người chơi đang sở hữu tài khoản eSports, từng bước trở thành thị trường game phát triển nhanh mà nhiều thương hiệu đã và đang chen chân vào.

Điển hình như với Liên Minh Huyền Thoại eSports, VNGGames và Riot Games vừa chính thức ký kết hợp tác hướng đến triển khai kế hoạch cho năm 2025 trong việc cọ xát giải đấu quy mô toàn châu Á – Thái Bình Dương.

khai-thac-thi-truong-the-thao-dien-tu-esports-tu-no-luc-den-hanh-dong-1.jpg
Nhiều giải đấu lớn eSports được tổ chức cho thấy tiềm năng mạnh của ngành. Ảnh minh họa: Internet.

Sự liên minh cũng được nhận định mở ra hướng phát triển tốt hơn cho người chơi, từng bước giúp cộng đồng tương tác nhiều hơn, góp phần đưa bộ môn vươn tầm hơn khi đã được ghi danh vào giải đấu chính thức tại các mùa giải thể thao lớn trong nước và quốc tế.

Chưa dừng lại ở việc hợp tác, Cổng thông tin VNGGames eSports Hub cũng vừa được đơn vị này ra mắt nhằm mang đến cho cộng đồng thông tin một cách toàn diện, nhất là các giải đấu eSports thu hút lượng người quan tâm lớn tại khu vực.

Mới nhất, FPT Telecom và Tập đoàn giải trí Gaming and Media (GAM Entertainment) cũng vừa hoàn tất việc bắt tay để đưa eSports vào nhiều lĩnh vực như giáo dục, viễn thông, nội dung số.

Cùng với việc hợp tác, hai đơn vị cũng triển khai hệ sinh thái thể thao điện tử toàn diện từ các giải đấu lớn, cuộc thi eSports, sự kiện game nhằm chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này cho việc cùng nhau khai thác thị trường tiềm năng.

Chia sẻ về sự hợp tác, ông Hoàng Việt Anh - Chủ tịch FPT Telecom cho biết eSports đang tạo ra sức hút lớn trong giới trẻ và công ty nhận thấy cơ hội phát triển để gia tăng trải nghiệm người dùng khi đã "bắt đầu đẩy mạnh mảng thể thao điện tử từ nhiều năm trước".

Đến hợp tác đào tạo nhân lực ngành game nói chung và eSports nói riêng


Sức hút từ eSports phần nào cho thấy cần một sự đầu tư bài bản hơn không chỉ cho thị trường, mà còn cho cả nhân sự phát triển. Và điều này cũng đã được các nhà phát hành game lớn quan tâm.

Với VNG, Công ty vừa liên kết Học viện Bưu chính viễn thông (PTIT) công bố hợp tác đào tạo và xây dựng phát triển nguồn nhân lực cho ngành game Việt Nam. Việc hợp tác cũng là tiền đề để VNG cũng sẽ ưu tiên tuyển dụng sinh viên có kết quả học tập tốt của PTIT vào thực tập và làm việc.

PTIT cũng là đơn vị giáo dục có nhiều hợp tác đào tạo với các công ty phát triển game, như một định hướng cho việc thực chiến, vốn đang được nhiều sinh viên quan tâm khi ngồi trên ghế giảng đường.

Riêng FPT Telecom, cùng với GAM Entertainment, các chương trình giảng dạy để đưa eSports trở thành môn học tự chọn của hệ thống giáo dục FPT cũng được chú trọng. Cùng với đó, hai bên cho biết sẽ đầu tư thúc đẩy phát triển các câu lạc bộ eSports hiện có tại các trường đại học, giúp học sinh - sinh viên có cơ hội tham gia vào các cuộc thi, giải đấu trong và ngoài nước.

khai-thac-thi-truong-the-thao-dien-tu-esports-tu-no-luc-den-hanh-dong-2.jpg
Công nghệ AI phát triển là tiền đề giúp eSports như mở rộng hơn về quy mô và sản phẩm. Ảnh minh họa: Internet.

Trong bối cảnh tiềm năng thị trường thể thao điện tử tại khu vực rất lớn, sự hỗ trợ từ các công ty công nghệ đã và đang giúp cho eSports như rộng cửa hơn cho định hướng khai thác lâu dài tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Cùng với mục tiêu doanh thu tỷ USD trong giai đoạn hội nhập, ngoài các công ty công nghệ, việc đào tạo nhân sự cho ngàng game cũng cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý cho mục tiêu doanh thu tỷ USD.

Cùng với thế mạnh công nghệ AI, thực tế ảo, thực tế tăng cường, kỳ vọng trong tương lai không xa, Việt Nam không chỉ là trung tâm phát hành eSports, mà còn là nơi để định hướng nghề nghiệp tốt hơn cho ngành khi thu hút nhân lực trong và ngoài nước đến tham gia và phát triển.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khai thác thị trường Thể thao điện tử - eSports: Từ nỗ lực đến hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO