Mới đây, cử tri tỉnh Phú Thọ gửi phản ánh tới Ban Dân nguyện Quốc hội về tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện, xe dưới 50 phân khối.
Theo đó, tại công văn do Ban Dân nguyện của Quốc hội chuyển đến Bộ GTVT, cử tri tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay số lượng xe đạp điện, xe máy điện, xe dưới 50 phân khối rất lớn, chủ yếu do học sinh, người dưới 18 tuổi điều khiển.
Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ không yêu cầu các đối tượng này phải học luật giao thông hay có bất kỳ chứng chỉ nào để điều khiển xe đạp điện, máy điện, xe máy dưới 50 phân khối.
Trong khi hiện nay, lượng phương tiện lưu thông lớn, vận tốc của các loại phương tiện này có thể đạt tương đương với xe gắn máy trên 50 phân khối.
“Nhiều trường hợp tai nạn giao thông, va chạm giao thông đã xảy ra trên thực tế”, văn bản nêu rõ.
Lo ngại trên không chỉ của riêng cử tri Phú Thọ, khi số lượng học sinh tự đi học bằng xe đạp, xe đạp điện hay xe máy dưới 50 phân khối trở nên phổ biến. Dù điều đó không vi phạm quy định, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đa phần các vụ va chạm xảy ra giữa xe tải và xe máy, xe đạp, nạn nhân là học sinh tự điều khiển xe đến trường.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 7h sáng 3/2 tại hầm chui Nguyễn Trãi (hướng từ Nguyễn Trãi đi Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến một nam sinh điều khiển xe máy tử vong trong tình trạng tổn thương nặng ở vùng đầu là ví dụ điển hình.
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, có tới hơn 70% số vụ tai nạn giao thông xảy ra mỗi năm liên quan đến mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn là những lỗi như phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, chuyển hướng không quan sát, không đội mũ bảo hiểm...
Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông ở mô tô, xe máy, xe đạp điện luôn chiếm tỷ lệ cao là do đa phần học sinh, thanh thiếu niên sử dụng phương tiện này, nhưng nhiều người lại thiếu ý thức, thường xuyên phạm luật, thậm chí có em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
Học sinh 16- 18 tuổi nên có chứng chỉ lái xe phân khối nhỏ
Trước thực tế này, cử tri Phú Thọ kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu việc bổ sung quy định về việc bắt buộc học luật đối với người điều khiển các phương tiện nói trên.
Trả lời về vấn đề này, Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của cử tri tỉnh Phú Thọ về việc cần quy định việc bắt buộc học luật đối với người điều khiển các phương tiện là xe gắn máy.
Bộ GTVT cho biết, theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông: Xe gắn máy là xe cơ giới có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h.
Đồng thời trong dự thảo cũng đã giao “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo quy định nội dung, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tham gia giao thông”.
Bộ GTVT nhấn mạnh, với dự thảo quy định nêu trên, khi Luật Trật tự, an toàn giao thông được Quốc hội thông qua sẽ cụ thể hóa kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ.
Đồng tình với nội dung này, sáng 12/8, trao đổi với VietNamNet, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, cần luật hoá quy định này để các em nâng cao hiểu biết, từ đó có ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội khi tham gia giao thông.
“Khi yêu cầu trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng, các quy định luật pháp về giao thông được quy định cứng trong luật thì các đối tượng chịu tác động (nhà trường, học sinh) sẽ thực hiện”, ông Tạo nói.
Ông Tạo cũng kiến nghị, dự thảo luật cần cụ thể hoá khái niệm về các phương tiện giao thông, trong đó có xe đạp điện, xe máy điện, xe dưới 50 phân khối.
Ở nhiều nước quy định 16 tuổi bắt buộc phải có giấy phép lái xe gắn máy (hoặc chứng chỉ). Tình hình giao nước ta diễn biến phức tạp nên ông Tạo cho rằng cần siết chặt quản lý nhóm các cháu điều khiển loại phương tiện này.
Theo đó, các cháu nên có chứng chỉ đánh giá kết quả sau khoá đào tạo về an toàn giao thông. Việc đánh giá phải do cơ quan có thẩm quyền, có chuyên môn đánh mà không phải trường học.