Một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không gồm: trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Học viện Phòng không - Không quân...
Năm nay, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tiếp tục tuyển sinh ngành Kỹ thuật hàng không (240 tín chỉ/4 năm học). PGS.TS Ngô Quang Minh - Phó trưởng khoa Hàng không, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, ngành Kỹ thuật hàng không là chương trình đào tạo đặc thù và là ngành hẹp, phải theo tiêu chuẩn cao. Vì vậy ngành này chưa thu hút nhiều sinh viên theo học. Hiện sinh viên có xu thế chọn học các ngành rộng hơn để có nhiều lựa chọn khi ra trường.
Một vấn đề rào cản khác là, học phí của ngành Kỹ thuật hàng không cao gấp đôi ngành khác, khoảng 100 - 140 triệu đồng/năm, tuỳ vào sinh viên Việt Nam hay quốc tế. Ngoài ra, việc đào tạo kỹ thuật hàng không cần máy móc hiện đại, đắt tiền nên ít trường đại học đầu tư mở ngành, thí sinh ít có cơ hội lựa chọn hơn những ngành học khác.
Học viện Hàng không đào tạo 2 ngành chính đào tạo liên quan lĩnh vực hàng không gồm: Kỹ thuật hàng không (thời gian đào tạo 5 năm, tuyển 140 chỉ tiêu), Quản lý hoạt động bay (đào tạo 4 năm, tuyển 140 chỉ tiêu). Ngoài ra, trường cũng đào tạo các ngành: Quản trị kinh doanh, Kinh tế vận tải, Công nghệ kỹ thuật công trình, đều có nội dung đào tạo liên quan tới hoạt động hàng không.
Trường này áp dụng mức học phí 25 triệu đồng/năm học thứ nhất, các năm sau tăng 10%.
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển sinh ngành Kỹ thuật hàng không với 60 chỉ tiêu hệ đại trà và 40 chỉ tiêu hệ chất lượng cao đào tạo bằng tiếng Anh. Trong đó, mức học phí trường áp dụng với chương trình chuẩn - hệ đại trà khoảng 30 triệu đồng/năm học.
Còn chương trình chất lượng cao ngành Kỹ thuật hàng không chuyển tiếp quốc tế (Úc, New Zealand) dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh học phí 2 - 2,5 năm đầu học tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM khoảng 80 triệu đồng/năm và 2 - 2,5 năm cuối chuyển tiếp sang đại học đối tác Úc/ New Zealand khoảng 566 - 807 triệu đồng/năm.
Học viện Phòng không - Không quân thuộc khối ngành quân đội nên thí sinh theo học sẽ không phải đóng học phí. Trường chỉ tuyển sinh và đào tạo 1 ngành duy nhất - Chỉ huy Phòng không - Không quân và Tác chiến điện tử với 235 chỉ tiêu.
Đại học Bách khoa Hà Nội đang đào tạo 2 ngành liên quan tới hàng không gồm: Kỹ thuật hàng không (50 chỉ tiêu tuyển sinh) và ngành Cơ khí hàng không (35 chỉ tiêu theo chương trình Pfiev). Năm nay trường chưa công bố mức học phí cụ thể. Năm ngoái, mức học phí các chương trình chuẩn dao động 24 đến 30 triệu đồng/năm học (tùy theo từng ngành trong đó có ngành Kỹ thuật hàng không), trường cam kết lộ trình tăng 8 - 10% mỗi năm.
Ngày 25/5, ông Tạ Minh Trọng, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Cục hàng không Việt Nam đánh giá, ngành Kỹ thuật hàng không đang rất "khát". Do đó, mức lương các đơn vị trả cho những kỹ sư hàng không cao.
Theo ông Trọng, tùy theo trình độ, có thể chia mức thu nhập của nhân sự kỹ thuật hàng không thành 3 mức. Mức A là nhân sự có trình độ sơ đẳng, làm các công việc đơn giản như: thay dầu, bơm lốp máy bay, với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Mức B dành cho các kỹ sư kỹ thuật sửa máy bay, mức lương khoảng 35 - 40 triệu đồng/tháng. Mức C dành cho các nhân viên bảo dưỡng định kỳ cho máy bay. Nhân sự ở mức này cần tư duy rất cao nên thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, thậm chí có những vị trí lương 100 triệu đồng/tháng. Vị trí này đòi hỏi nhân sự có trình độ chuyên môn rất cao, ngoại ngữ tốt và hòa nhập được với môi trường quốc tế.
Ông cho biết thêm, Kỹ thuật hàng không là ngành đặc thù, chi phí đào tạo lớn. Với sinh viên mới ra trường chỉ có thể làm các công việc đơn giản như: thay dầu, bơm lốp. Để nhận lương cao thì các em phải có thêm giấy chứng nhận B1 hoặc B2 trong bảo dưỡng, sửa chữa máy bay - thời gian đào tạo thêm khoảng 4 - 5 năm. Như vậy, tổng thời gian đào tạo cho kỹ sư kỹ thuật cao của ngành hàng không cần ít nhất khoảng 10 năm, khá lâu so với nhiều ngành học khác.
“Ngoài ra, họ phải làm việc trong môi trường căng thẳng, kỷ luật cao và đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Vì khi làm việc ở đường bằng, nhiệt độ có thể lên đến trên 60 độ C, nếu không có sức khỏe thì khó có thể trụ lại”, ông Trọng nói.