Hàm ý phía sau việc Thổ Nhĩ Kỳ ngăn NATO mở rộng

Đoàn Vũ| 24/05/2022 16:42

Phản đối Phần Lan và Thụy Điển vào NATO có thể giúp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan củng cố nội bộ và khẳng định vị thế, vai trò của đất nước.

(05.24) Phản đối Phần Lan và Thụy Điển vào NATO có thể giúp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan củng cố nội bộ, cũng như vị thế của nước này trong NATO. (Nguồn: Reuters)
Phản đối Phần Lan và Thụy Điển vào NATO có thể giúp ông Tayyip Erdogan củng cố nội bộ và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối. (Nguồn: Reuters)

Ngày 21/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, đã điện đàm riêng rẽ với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson về việc hai nước Bắc Âu này nộp đơn gia nhập NATO.

Nhà lãnh đạo này đã kêu gọi Stockholm “chấm dứt hỗ trợ chính trị, tài chính và cả chuyển giao vũ khí cho các tổ chức khủng bố”. Thông cáo khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ “mong đợi Thụy Điển tiến hành các biện pháp cụ thể và nghiêm túc, chia sẻ các lo lắng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tổ chức khủng bố PKK và sự mở rộng của tổ chức này ở Iraq và Syria”.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội hôm 16/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định sẽ ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Theo nhà lãnh đạo này, việc Phần Lan và Thụy Điển vừa “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố” vừa “yêu cầu được hỗ trợ (gia nhập NATO) là hành động thiếu nhất quán”. Ông nhấn mạnh NATO không được lặp lại “sai lầm” năm 1952 khi kết nạp Hy Lạp.

Mục tiêu trước mắt của Thổ Nhĩ Kỳ là Phần Lan và Thụy Điển phải chấm dứt việc ủng hộ PKK, dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và thậm chí trục xuất một số thành viên của PKK và những phần từ đối lập khác. Tuy nhiên, dường như Ankara không chỉ nhắm vào Helsinki và Stockholm.

Có gì sau bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ?

Khẳng định vị thế

Về đối ngoại, mục tiêu lớn hơn của Tổng thống Tayyip Erdogan là muốn các đồng minh trong NATO thừa nhận “lợi ích” và vị thế của mình.

Phát biểu trước Quốc hội, ông cho rằng đến nay “không một đồng minh nào tôn trọng các lo ngại này, chứ chưa nói đến sự ủng hộ” đối với các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ như cách Ankara có thể diễn giải điều 4 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể hướng tới việc Mỹ chấp thuận đưa nước này trở lại chương trình phát triển máy bay chiến đầu F-35, sau khi Ankara bị loại khỏi danh sách do mua hệ thống S-400 của Nga năm 2019.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, việc Phần Lan và Thụy Điển vừa “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố” vừa “yêu cầu được hỗ trợ (gia nhập NATO) là hành động thiếu nhất quán”.

Nỗ lực chuyển hướng

Ở góc độ đối nội, việc chỉ trích gay gắt thái độ của Phần Lan, Thụy Điển nói riêng và các đồng minh trong NATO nói chung với Thổ Nhĩ Kỳ ngay tại Quốc hội cũng cho thấy các toan tính của ông Erdogan nhằm tận dụng, tranh thủ các quyết sách đối ngoại để giảm thiểu sức ép, củng cố ở bên trong.

Từ năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng kinh tế. Năm 2021, đồng lira mất giá 40% so với USD. Lạm phát đạt mức hơn 70%/năm tháng 4/2022, trong khi giá lương thực tăng bình quân 70%/năm.

Thực tế khó khăn này khiến đảng cầm quyền AKP phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ các đảng đối lập. Nghiên cứu của Metropoll Research đầu năm 2022 cho thấy ông Erdogan chỉ được 38.6% người dân tín nhiệm, thấp nhất trong 7 năm qua. Ngược lại, ba đối thủ của ông trong bầu cử năm 2023 gồm ông Mansur Yavas, Ekrem Imamoglu và Meral Aksener có tỷ lệ tín nhiệm lần lượt là 60%, 51% và 38.5%.

Trong bối cảnh đó, từ đầu năm 2022, ông Erdogan liên tục có các động thái ngoại giao nhằm cải thiện hình ảnh bên ngoài. Ankara tìm cách giảm căng thẳng với Brussels và Paris. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đi thăm UAE, Saudi Arabia, lên kế hoạch thăm Ai Cập và thậm chí đề xuất gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tháng 3/2022, ông Erdogan cũng đón tiếp người đồng cấp Israel Isaac Herzog tại Ankara đánh dấu kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước.

(05.24) Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Israel Isaac Herzog tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Từ đầu năm 2022, ông Erdogan liên tục có các động thái ngoại giao nhằm cải thiện hình ảnh bên ngoài - Ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Israel Isaac Herzog tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Vượt khó có thành công?

Với hơn 20 năm nắm quyền, ông Erdogan là một chính trị gia lão luyện. Việc phản đối NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan rồi sau đó điện đàm riêng với lãnh đạo hai nước này cũng là chiến thuật thường thấy của ông.

Một mặt, các tuyên bố gay gắt của ông với Thụy Điển và Phần Lan cho thấy hình ảnh nhà lãnh đạo quyết đoán, độc lập và sẵn sàng đối đầu với đồng minh. Mặt khác, việc nhanh chóng mở đối thoại cho thấy Ankara cũng biết thỏa hiệp khi cần để bảo vệ lợi ích quốc gia nói chung và và lợi ích của chính ông.

Song, liệu chừng đó có đủ để giúp ông Erdogan vượt qua thách thức lớn nhất trong hai thập kỷ cầm quyền và chiến thắng một lần nữa vào năm 2023? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/ham-y-phia-sau-viec-tho-nhi-ky-ngan-nato-mo-rong-184805.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/ham-y-phia-sau-viec-tho-nhi-ky-ngan-nato-mo-rong-184805.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hàm ý phía sau việc Thổ Nhĩ Kỳ ngăn NATO mở rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO