Bỏ phố về quê
Ông Nguyễn Văn Đức (50 tuổi), chủ một khu nhà trọ công nhân ở thị trấn Chi Đông (huyện Mê Linh, Hà Nội), với quy mô 35 phòng cho biết, ông đã kinh doanh nhà trọ ngay từ khi khu công nghiệp Quang Minh hình thành.
Theo ông Đức, khoảng 2016 - 2017 là lúc đời sống công nhân tốt nhất mà ông từng chứng kiến. Họ làm không hết việc, tăng ca nhiều nên đồng lương tăng lên. Đồng thời, giá cả hàng hóa khi đó cũng dễ chịu, không đắt như bây giờ.
Nhưng hiện nay, tình hình đã thay đổi. Giá các loại rau xanh tại thị trấn Chi Đông tuy có tăng nhưng vẫn rẻ hơn so với nội thành Hà Nội. Còn các loại thịt, cá, tôm, cua… thì ngày càng đắt "không chịu nổi".
“Rau xanh ở đây thì bà con tự trồng được rồi đem ra chợ bán nên giá cả phải chăng hơn. Nhưng thịt cá phải vận chuyển từ nơi khác đến, lại là khu tập trung đông công nhân, nên giá rất cao".
Ngoài chi phí sinh hoạt đắt lên vì giá cả hàng hóa leo thang, những người công nhân tại đây kể từ sau 2019 phải đối mặt với tình trạng ít việc, không được làm thêm, tăng ca, thu nhập bị giảm, đến nay tình hình vẫn chưa cải thiện.
Ông Đức cho biết, có rất ít công nhân còn trụ lại khu trọ từ 2019. Nhiều trường hợp chỉ đến ở được vài tháng đã phải bỏ về quê vì không chịu được "nhiệt".
“Những công nhân không được làm tăng ca, làm thêm giờ thì mỗi tháng thu nhập cũng chỉ 4-6 triệu đồng, làm sao đủ chi tiêu ở Hà Nội", ông nói.
Ông Đức đã giảm khoảng 20% tiền thuê phòng, nhưng số phòng cho thuê được cũng giảm khoảng 30% vì công nhân không trụ lại được.
“Phòng 1,2 triệu đồng/tháng thì giảm xuống còn 1 triệu đồng/tháng; 1 triệu đồng/tháng thì giảm xuống còn 800.000 đồng/tháng. Ấy vậy mà họ vẫn không ở nổi. Những người trụ được thì họ chi tiêu rất tiết kiệm, không dám dùng điều hòa. Có những người cả năm chỉ về quê 1-2 lần lễ tết là cùng, vì về nhiều quá thì làm gì còn tiền", ông Đức kể.
Vật vã tiết kiệm bằng mọi cách
Nông Văn Thưởng (SN 1993), người Hà Giang, cùng vợ xuống Hà Nội tìm việc và đã thuê trọ tại nhà ông Đức từ năm 2017. Vợ chồng Thưởng là gia đình công nhân còn trụ lại khu trọ nhà ông Đức lâu nhất. Thưởng cho biết phải tìm mọi cách tiết kiệm chi phí thì mới có thể ở Hà Nội lâu như thế, một năm chỉ dám về quê 1-2 lần vào ngày lễ, tết.
Bất kể chi tiêu gì, Thưởng cũng đều phải đắn đo, tính toán để không bị hao hụt tài chính. Anh chia sẻ: “Có đi làm công nhân, đi thuê trọ như chúng em mới biết cuộc sống ở Hà Nội tốn kém ra sao. So với vài năm trước, chi phí cơ bản hàng tháng của hai vợ chồng tăng thêm cả vài triệu đồng.
Nếu như khoảng 2018 - 2019, một tháng chi tiêu hết khoảng 4 triệu đồng/tháng thì bây giờ, tiền chi cho các nhu cầu cơ bản như chỗ ở, ăn uống tính ra mỗi tháng phải hết 6 triệu đồng, cao hơn rất nhiều".
Thưởng làm công nhân tại một nhà máy bao bì ở khu công nghiệp Phúc Yên, nếu không được tăng ca, làm thêm giờ thì lương cũng chỉ được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Như vậy, chi phí mỗi tháng cũng gần ngốn hết toàn bộ số lương của anh.
Đáng nói là kể từ sau COVID-19, số ngày được làm tăng ca của Thưởng cũng giảm hẳn đi, khi nào nhiều thì cứ ba tháng mới được tăng ca một tháng. Điều này khiến khoản thu nhập vốn eo hẹp của anh lại càng eo hẹp. Trong khi chi phí sinh hoạt, tiền ăn uống...không ngừng tăng.
Vợ Thưởng cũng làm việc tại khu công nghiệp Quang Minh với một mức lương tương tự. Số tiền kiếm được, vợ chồng anh còn phải gửi về quê để nuôi hai cháu nhỏ.
“Chúng em cũng muốn gần con nhưng chi phí học hành, sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ quá, không kham nổi. Hơn nữa, ở quê, ông bà cũng tự nuôi trồng được lương thực, thực phẩm nên mọi chi phí đều rẻ, không đắt đỏ và tăng giá bất thường như ở đây”, anh nói.
Thưởng nhẩm tính, cả hai vợ chồng đi làm công nhân ở Hà Nội tính ra chỉ vừa đủ tiền chi tiêu sinh hoạt và gửi về quê cho ông bà nuôi cháu ăn học, không để dành được đồng nào.
Vì thế, đã từ lâu vợ chồng anh không hề nghĩ đến chuyện mua quần áo mới. Đi làm cả ngày ở công ty thì mặc đồng phục công nhân, về nhà chỉ cần đồ cũ. Chỉ khi đến Tết, anh mới tự mua cho mình một bộ quần áo mới coi như phần thưởng cho cả năm làm việc.
Làm không có dư nên vợ chồng anh Thưởng từ khi xuống Hà Nội làm ăn chưa bao giờ dám mơ đến chuyến du lịch hoặc đi xem phim, nghe ca nhạc, ăn uống ở tiệm.
Ngày nào cũng 7h sáng vào làm, 7h tối tan ca, nếu không làm thêm giờ, về đến nhà là 8h tối. Tắm rửa, ăn tối xong xuôi, thú vui giải trí duy nhất là nằm lướt điện thoại rồi đi ngủ sớm để hôm sau có sức làm việc.
"Rất khó để nói trước là có tiếp tục bám trụ lại Hà Nội được nữa không. Thế nhưng, nếu bây giờ bỏ việc về quê thì cũng không biết làm gì ra tiền. Vì thế hàng ngày, hai vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng. Nếu khó hơn nữa thì cũng phải tính chuyện về quê", Thưởng tâm sự.
Chị Nguyễn Thị T., từ Thanh Hóa ra Hà Nội làm công nhân cũng thuê một căn phòng trọ ở khu nhà trọ có 5 phòng. Chị T. thuê phòng trọ ở một mình với chi phí là 1 triệu đồng/tháng. Nếu tính tiền điện nước, tiền ăn uống mỗi tháng chị cũng phải tốn khoảng hơn 4 triệu đồng.
Đó là chưa kể chi phí cho các món đồ cơ bản khác.
Chị T. cho biết, tháng nào chị cũng cố gắng gửi về quê cho mẹ 2-3 triệu đồng để giúp mẹ nuôi 2 em nhỏ ăn học. Mức lương 8 triệu đồng/tháng của chị với chi phí sinh hoạt hoạt ở Hà Nội, sau khi trừ đi những khoản thiết yếu và tiền gửi về nhà, may ra còn dư được 1 triệu để tích góp. Tháng nào có việc phải về quê, hoặc có đám cưới thì vừa vặn, không để ra được đồng nào.
Công ty nuôi ăn một bữa, còn lại chị T. tìm mọi cách chi tiêu tiết kiệm nhất: “Buổi sáng đi làm, tôi tranh thủ ăn khoảng 10.000 đồng tiền xôi. Nhiều khi thèm bát phở nhưng không dám ăn. Nghĩ ăn một bát phở giá 35.000 đồng là “ăn” mất hơn 1 tiếng đứng lao động không nghỉ ở công ty rồi nên lại thôi”.
Chị T. cho biết vẫn đang chờ đến ngày công ty có nhiều hợp đồng, được tăng ca, làm thêm giờ đều đặn. Khi đó, mức lương của chị sẽ được cải thiện và chị sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, giúp chi tiêu thoải mái hơn và quan trọng là có thể tiết kiệm được tiền.
“Nếu tăng ca đều, thì lương tháng cũng được 10-12 triệu đồng, sẽ đủ sống và chi tiêu dễ thở hơn. Đó là điều tôi mong ngóng chứ không thể chờ vào việc công ty tăng lương được. Chúng tôi mỗi năm được tăng lương 1 lần. Nhưng mỗi lần tăng lương thì tăng được có 20.000 - 30.000 đồng, không thấm vào đâu so với việc giá cả hàng hóa ngoài chợ.
Một bát phở hiện cũng đã tăng thêm 5.000 đồng từ lâu, hay gói mỳ tôm cũng đắt hơn trước vài ba nghìn đồng, rồi mặt hàng nào cũng tăng giá. Vậy nên lương có tăng cũng không thấm vào đâu", chị T. nói.