Giáo dục là chìa khóa thành công của một quốc gia, dù khó khăn đến đâu thì vẫn phải được đặt ở vị trí ưu tiên.

Vừa qua nhiều trường đại học công lập đã dừng tăng học phí sau khi Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học 2023-2024.

Về phía các trường đã có dự kiến điều chỉnh học phí, việc phải dừng lại sẽ ít nhiều tác động đến kế hoạch đã đề ra; còn với nhiều bạn sinh viên và gia đình mà điều kiện kinh tế khiêm tốn thì đây là một tin vui.

Câu chuyện của ngành giáo dục đại học tại Việt Nam nói chung, trong đó có học phí nói riêng là câu chuyện dài. Nhưng hiện nay do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, có vẻ như câu chuyện này đang bước vào giai đoạn khó khăn và chưa thấy một giải pháp nào rõ rệt.

Một trong những vấn đề lớn nhất là chi phí vận hành và đầu tư phát triển đại học. Dù đã rất nỗ lực, nhưng do ngân sách dành cho giáo dục đại học còn hạn hẹp nên dù có loay hoay vá hết chỗ này đến chỗ kia, bức tranh vẫn luôn có nhiều chỗ khập khiễng, bất cập.

Gánh nặng học phí đại học - 1

Nam sinh Nguyễn Đình Dương (18 tuổi, trú thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, Phú Yên) đỗ đại học nhưng không đủ tài chính để theo đuổi ước mơ (Ảnh: Trung Thi).

Hệ thống giáo dục đại học của Úc nơi tôi sống, nhờ có ngân sách của nhà nước hỗ trợ đầy đủ mà mọi thứ vận hành khá hợp lý, hiệu quả.

Theo đó, các trường đại học tuy tự chủ nhưng không tự chủ hoàn toàn kiểu tự cung tự cấp như một doanh nghiệp kinh doanh độc lập, mà vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức từ nguồn ngân sách của chính phủ, đặc biệt là nguồn trợ cấp không hoàn lại dành cho nghiên cứu và giảng dạy (government research & grants). Không có khoản tiền này chắc các trường đại học Úc không sống nổi.

Một nguồn doanh thu lớn khác của các trường là học phí, nhưng ngay cả nguồn tiền này cũng có một phần lớn từ ngân sách của chính phủ mà ra, vì chính phủ cho tất cả sinh viên người Úc hay thường trú nhân Úc vay mượn với các điều khoản vô cùng ưu đãi.

Thực vậy, số tiền cho vay này không tính lãi, chỉ điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát của từng năm, và sinh viên vay tiền chỉ bắt đầu trả nợ khi có công ăn việc làm với một mức thu nhập đủ cao theo quy định của nhà nước. Nghĩa là ai trả rất chậm hay không bao giờ trả đủ do thất nghiệp hay thu nhập thấp thì nhà nước sẽ "tính sau".

Chắc không ít người sẽ buột miệng nói ngay, chính phủ Úc làm được vì có nhiều tiền, ngân sách dư dả. Điều đó chỉ đúng một phần, nhưng phần quan trọng hơn, là họ thấy rõ lợi ích của giáo dục đại học đem lại cho quốc gia, cho nền kinh tế trong dài hạn như thế nào nên đặt nó ở vị trí ưu tiên.

Họ siết chặt ở những thứ khác, ví dụ hễ ở đâu có doanh thu là họ thu về cho ngân sách không thiếu một đồng. Ngành gì, nghề gì cũng thu đủ, ai từng kinh doanh ở Úc rồi thì biết, đủ thứ loại thuế và nghĩa vụ phải đóng. Vấn đề là ưu tiên nằm ở đâu. Siết nhiều chỗ để đầu tư đúng ở chỗ mà họ thấy ưu tiên.

Giới doanh nhân, doanh nghiệp lớn tại Úc cũng quan tâm và hào phóng với các trường đại học, hầu như không có trường nào không nhận nhiều triệu đôla từ nguồn ủng hộ này.

Chính phủ Úc tạo cơ chế cụ thể để khuyến khích hoạt động tài trợ cho đại học thông qua các chính sách miễn giảm, cấn trừ về thuế cho doanh nhân và doanh nghiệp. Nếu nhìn từ bề mặt sẽ thấy nhà nước mất bớt tiền thuế, nhưng nếu nhìn sâu xa thì cái lợi lớn hơn nằm ở chỗ chất lượng đầu ra của các trường đại học.

Nhờ các khoản tiền tài trợ này mà các trường đại học ở Úc có thêm nguồn lực để xây dựng cơ ngơi mới, chỉnh trang cơ sở hạ tầng. Trong một số trường hợp, với sự đồng ý của nhà tài trợ, nhà trường có thể mang tiền đi đầu tư để tạo nên nguồn doanh thu phụ trội, tiền đẻ ra tiền.

Ngoài ra, học phí từ các du học sinh nước ngoài cũng là một nguồn thu nhập đáng kể, bên cạnh nguồn thu từ các công trình nghiên cứu, tư vấn cho các tập đoàn, tổ chức chính phủ. Nói chung, các trường đại học vừa phải vận hành như một doanh nghiệp nhưng vừa mang trên vai trọng trách phục vụ xã hội, phục vụ nền kinh tế.

Cho nên việc nhà nước phải rót ngân sách hỗ trợ các trường đại học bằng nhiều hình thức khác nhau là việc cần thiết và công bằng. Nhìn theo góc độ kinh doanh (business) thì các trường đại học là đối tác đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế. Vì có đào tạo tốt, đào tạo đủ thì nền kinh tế mới khỏe mạnh, cạnh tranh tốt và tạo ra nhiều tiền bạc, của cải hơn.

Ngành giáo dục nói chung hay các trường đại học nói riêng do đó phải được trả công xứng đáng.

Trở lại với giáo dục đại học ở Việt Nam, như đã nói ở trên dù xác định là quốc sách và đã rất nỗ lực, song nhìn chung ngân sách còn hạn hẹp và các trường đang nhìn vào nguồn thu chính là học phí, các nguồn thu khác trong đó có nguồn tài trợ rất hạn chế.

Như vậy một mặt chúng ta phải xây dựng những cơ chế để tạo nguồn thu đa dạng, chính đáng cho các trường đại học, mặt khác thì ở giai đoạn hiện nay vẫn cần tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước. Giáo dục là chìa khóa thành công của một quốc gia, dù khó khăn đến đâu thì vẫn phải được đặt ở vị trí ưu tiên.

Tác giảÔng Lý Quí Trung là nhà đồng sáng lập thương hiệu Phở 24, tác giả một số đầu sách về quản trị kinh doanh và xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi. Ông lấy bằng cử nhân và thạc sỹ tại Úc và bằng tiến sỹ tại Mỹ, hiện là Giáo sư kiêm nhiệm và cố vấn cấp cao của Đại học Western Sydney, Úc.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gánh nặng học phí đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO