Dính nồng độ cồn và lý do 'muốn làm rể phải biết uống rượu'

10/02/2023 11:07

Những kiểu khích bác trên bàn nhậu như: “Chú không uống là không nể anh”, "muốn làm rể ở đây phải biết uống rượu" khiến nhiều người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe.

Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão vừa qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý vi phạm nồng độ cồn cao gấp 6 lần cùng kỳ. Cụ thể, các đơn vị đã xử lý hơn 7.700 trường hợp vi phạm, chiếm đến 35% trong tổng số các vi phạm.

Đại diện Cục CSGT cho rằng, con số xử lý vi phạm tăng cao như vậy do lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra bằng nhiều biện pháp và duy trì kiểm tra nồng cồn trong suốt dịp Tết.

Tổ công tác liên ngành Y4/141 (Công an TP Hà Nội) kiểm soát vi phạm nồng độ cồn

Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng bia rượu rồi điều khiển xe vẫn diễn ra. Nhiều người lấy lý do uống rượu bia là do văn hóa lâu đời, chỉ uống vài chén thì vẫn làm chủ được tay lái.

Anh N.Đ.S. (24 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, không chỉ trong dịp nghỉ lễ, Tết mà tại nhiều cuộc vui, câu nói: “Chú không uống là không nể anh” hay “tình cảm anh em như chén rượu đầy phải uống hết” thường được dùng để ép uống.

“Tôi thấy việc từ chối uống rượu bia trong bàn tiệc là việc rất khó khăn, mặc dù ngay sau cuộc vui tôi phải điều khiển ô tô về nhà”, anh N.Đ.S. chia sẻ.

Hình ảnh quen thuộc ở những bữa tiệc, cuộc nhậu dễ thấy là cảnh mời rượu, bia. Ảnh minh họa

Tình huống dở khóc dở cười này còn diễn ra ngay trong buổi ra mắt nhà người yêu. Anh Đ.M.Đ. (30 tuổi, trú tại Mê Linh, Hà Nội) kể lại, trong bữa cơm với gia đình nhà người yêu, không ít lần anh bị các chú, bác nói rằng, muốn làm rể ở đây phải biết uống rượu, không biết uống thì thôi…

“Mỗi lần mọi người nói vậy là tôi phải nhấc chén lên uống. Tôi không nhớ là mình đã uống bao nhiêu nhưng để giữ thể diện, ngay sau bữa cơm là phải đi xe máy về ngay để không say ở nhà người yêu”, anh Đ.M.Đ. nói.

Theo đại diện Cục CSGT, bên cạnh việc tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cũng cần sự chung tay của người dân. Đơn cử, mỗi cá nhân có ý thức và nhắc nhở người thân mình chấp hành sẽ tạo ra một gia đình văn hóa, nhiều gia đình văn hóa tạo nên xã hội văn minh.

Lực lượng chức năng kiểm soát vi phạm nồng độ cồn trên phố Hoàng Cầu (Hà Nội)

“Mỗi người không ép bạn bè, người thân mình uống rượu bia là chung tay cùng xã hội đảm bảo an toàn giao thông. Hay ngăn cản người thân mình uống say rồi điều khiển phương tiện, cũng là chung tay cùng xã hội”, đại diện Cục CSGT cho biết.

Vị đại diện Cục CSGT cũng cho rằng, các chủ nhà hàng, quán nhậu, điểm kinh doanh có bán bia rượu cũng cần ủng hộ lực lượng chức năng xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

“Mỗi nhà hàng, quán nhậu, ngoài việc kinh doanh thu lợi nhuận, cũng cần vận động, nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia mà nên sử dụng các phương tiện công cộng. Đó cũng là trách nhiệm của nhà hàng, quán nhậu với cộng đồng và cũng là một cách phòng ngừa tai nạn khi đã uống rượu, bia có hiệu quả”, vị đại diện Cục CSGT nói.

Vị này cũng cho biết, năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn, nhất là tại các khu đô thị, tuyến phố có nhiều nhà hàng, khu công nghiệp, khu chế xuất nơi có nhiều công nhân… để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dinh-nong-do-con-la-ly-do-muon-lam-re-phai-biet-uong-ruou-2108393.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/dinh-nong-do-con-la-ly-do-muon-lam-re-phai-biet-uong-ruou-2108393.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dính nồng độ cồn và lý do 'muốn làm rể phải biết uống rượu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO