Điểm tin kinh doanh 6/11: Nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam giảm 1%

Việt Báo (Tổng hợp)| 06/11/2023 06:00

Thaco Group bắt tay Tập đoàn Sơn Đông của Trung Quốc, chuẩn bị lên sàn chứng khoán?; Du lịch tăng trưởng nhanh hơn gấp đôi tốc độ tăng GDP toàn cầu

vang-nhan-hoang-ha-1-1378-1194-996-940.jpg

- Hội đồng Vàng Thế giới: Nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam giảm 1%

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, trong quý 3, nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11,9 tấn trong quý 3/2023 so với 12 tấn trong quý 3/2022.

Hội đồng Vàng Thế giới (WGO) vừa công bố Báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng quý 3, trong đó ghi nhận nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam duy trì ổn định trong quý này, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng vàng giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11,9 tấn trong quý 3/2023 so với 12 tấn trong quý 3/2022.

Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ. Cụ thể, quý 3/2023, nhu cầu vàng giảm còn 3 tấn trong khi trong quý 3/2022 là 3,5 tấn.

Nhu cầu tiêu dùng vàng được bù đắp bởi sự tăng trưởng nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng, với mức chênh lệch 4% so với cùng kỳ với nhu cầu quý 3/2023 là 8,8 tấn trong khi quý 3/2022 là 8,5 tấn.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) kiêm Giám đốc Toàn cầu về Ngân hàng Trung ương tại WGO cho biết: "Nhu cầu trang sức ở Việt Nam trong quý 3 đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021. Lạm phát cao cùng mức độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND tăng đã thúc đẩy các nhà đầu tư tận dụng mức điều chỉnh giá trong tháng Tám như mức khởi điểm an toàn để đầu tư chiến lược vào vàng thỏi và xu vàng như một nơi kênh tích sản."

Báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng quý 3 cũng chỉ ra rằng vị thế của kênh tài sản này vẫn vững vàng. Đây là quý có sức mua ròng nhiều thứ 3 của ngân hàng trung ương, đạt 337 tấn. Mặc dù chưa phá được kỷ lục cùng kỳ năm 2022 nhưng nhu cầu tính từ đầu năm đã đạt 800 tấn, thiết lập một kỷ lục mới.

Dữ liệu từ WGO ghi nhận ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì tốc độ mua vàng mạnh mẽ, đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 3 (không bao gồm thị trường OTC) chạm mức 1.147 tấn, vượt 8% so với trung bình trong 5 năm.

- Giá lúa tại khu vực ĐBSCL duy trì ở mức cao nhờ trợ lực xuất khẩu

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm Việt Nam đang ở mức 653 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm ở mức 638 USD/tấn, đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay.

Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua duy trì ở mức khá cao. Cùng với đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức 653 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay và cao hơn hẳn giá gạo xuất khẩu của các quốc gia khác.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: Đài thơm 8 từ 8.800-9.000 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá từ 8.800-9.000 đồng/kg; OM 5451 từ 8.800-9.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; IR 50404 từ 8.700-8.800 đồng/kg; OM 18 ở mức từ 8.800-9.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa Nhật vẫn ổn định từ 7.800-8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang khô và nếp Long An khô đều dao động ở mức từ 9.400-9.800 đồng/kg.

Trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 12.000-14.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000-18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 3,97 tỷ USD với sản lượng 7,12 triệu tấn. Giá xuất khẩu gạo trung bình 9 tháng đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với Ấn Độ, Thái Lan.

- Thaco Group bắt tay Tập đoàn Sơn Đông của Trung Quốc, chuẩn bị lên sàn chứng khoán?

Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) của tỷ phú Trần Bá Dương đang triển khai kế hoạch bán 10% cổ phần của Thaco Auto cho các nhà đầu tư chiến lược và hướng đến niêm yết trên sàn chứng khoán trong vòng 3 năm tới.

Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp nặng Sơn Đông (SHIG) và Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược tại Hồng Kông.

Theo thoả thuận chiến lược này, tập đoàn SHIG sẽ tham gia sâu hơn vào lĩnh vực xe thương mại cùng với Thaco Group, mở rộng nhiều dòng xe buýt, xe tải, lĩnh vực mới tại Việt Nam. Đồng thời, SHIG cũng sẽ hỗ trợ Thaco Group chuyển đổi và nâng cấp chiến lược, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chất lượng cao.

Hồi giữa năm 2023, Thaco Group từng cho biết đang làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài về kế hoạch chào bán 10% cổ phần mảng ô tô (Thaco Auto). Đây là một phần trong kế hoạch chuyển đổi Thaco Auto thành công ty đại chúng và tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán.

- Du lịch tăng trưởng nhanh hơn gấp đôi tốc độ tăng GDP toàn cầu

Quan chức Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới nhấn mạnh trong năm nay, "ngành công nghiệp không khói" sẽ quay trở lại mức của năm 2019, thậm chí một số khu vực đã vượt doanh thu của năm 2019.

Quá trình phục hồi của ngành du lịch toàn cầu sau đại dịch COVID-19 đang diễn ra thuận lợi và các Chính phủ cần tiếp tục nới lỏng hơn nữa các thủ tục xin thị thực để "tiếp lửa" cho sự phục hồi này. Đó là khẳng định của bà Julia Simpson, Giám đốc Điều hành (CEO) Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC).

Phát biểu ngày 4/11 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu WTTC lần thứ 23 diễn ra tại Thủ đô Kigali của Rwanda, bà Simpson, đồng thời là Chủ tịch cơ quan trên, nêu rõ lữ hành và du lịch đang tăng trưởng nhanh hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Bà đề xuất các chính phủ nên nỗ lực giảm bớt các hạn chế về thị thực và đẩy nhanh quá trình xin thị thực nhằm hỗ trợ hơn nữa cho du lịch quốc tế.

Quan chức WTTC nhấn mạnh trong năm nay, "ngành công nghiệp không khói" của thế giới sẽ quay trở lại mức của năm 2019, thậm chí một số khu vực đã vượt doanh thu của năm 2019.

- Indonesia nhập thêm gạo từ Việt Nam

Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar.

Theo Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia, đợt nhập khẩu bổ sung này được tiến hành nhằm tăng cường kho dự trữ gạo của Chính phủ Indonesia đến năm 2024. Bulog sẽ thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu gạo từ bất kỳ quốc gia nào đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn.

Hiện tại, Indonesia đã có hợp đồng với một số quốc gia sản xuất gạo lớn, cụ thể là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.

Indonesia cũng sẽ thăm dò nhập khẩu từ Ấn Độ, Campuchia và các quốc gia khác nếu đáp ứng được yêu cầu.

Bulog cho hay, mặc dù Chính phủ Indonesia đã cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo với 1,5 triệu tấn, nhưng việc thực hiện sẽ được điều chỉnh tùy theo nhu cầu phân phối trong nước.

Kho gạo do Bulog kiểm soát hiện còn 1,45 triệu tấn. Với việc thực hiện chỉ đạo nhập khẩu bổ sung, số lượng gạo dự trữ của cơ quan này sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu phân phối đến năm sau nhằm duy trì ổn định giá gạo trong nước.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 6/11: Nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam giảm 1%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO