- Xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường cá tra những tháng cuối năm sẽ khởi sắc. Bên cạnh những thị trường lớn nhập khẩu cá tra có khả năng tăng trưởng tốt như Hoa Kỳ, Trung Quốc còn có sự trở lại của thị trường Liên minh Châu Âu sau nhiều năm bị chững lại.
Trong bối cảnh lạm phát, cá tra vẫn có nhu cầu lớn từ thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng như các thị trường khác. Bên cạnh đó, trong tháng 7, ghi nhận nhiều thị trường bứt phá nhập khẩu cá tra Việt Nam như: Canada, Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Singapore, Philippines, điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cá tra sang các thị trường nhỏ là rất lớn.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, với sự hồi phục thị trường trong quý 4 năm nay, cùng với việc điều chỉnh giá xuất khẩu, ngành hàng cá tra có thể mang về kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm nay.
- Thép trong nước vẫn tăng cao, thép thế giới tiếp đà giảm
Giá thép hôm 3/9 ghi nhận thép trong nước vẫn đà đi ngang với phiên tăng cao nhất 810.000 đ/tấn từ 31/8. Giá thép thế giới tiếp tục giảm.
Trái ngược với diễn biến tăng của thép trong nước, thép thế giới tiếp đà giảm. Giá thép hôm nay giao tháng 1/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 98 nhân dân tệ xuống mức 3.588 nhân dân tệ/tấn.
Trước đó tại thị trường Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai ngày 1/9 là 3.901 nhân dân tệ/tấn (564 USD/tấn), tăng 0,72% so với ngày trước đó, sau khi giảm 4% trong những ngày đầu tuần với mức cuối tháng 7.
Như vậy, sau 15 phiên giảm liên tiếp từ 11/5, thép trong nước đã đồng loạt đổi chiều tăng sốc, tăng cao nhất lên tới 810.000 đồng/tấn.
- 8 tháng, ngành dệt may xuất siêu trên 12 tỷ USD
8 tháng đầu năm 2022, cân thương mại của ngành dệt may vẫn nghiêng về xuất khẩu với giá trị xuất siêu đạt trên 12 tỷ USD.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: 8 tháng năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, ngành tiếp tục xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD.
“Năm nay, dệt may Việt Nam dự kiến đạt 43,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, mặc dù dự báo những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn”, Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Mặt khác, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản đã khống chế được nhưng các thị trường khác, trong đó có thị trường cung cấp nguyên phụ liệu chính cho ngành như Trung Quốc (cung cấp 50% nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam) thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch rất chặt chẽ đã ảnh hưởng tới nguồn cung đầu vào cho sản xuất.