Điểm tin kinh doanh 26/6: Vàng sẽ sớm kiểm tra mốc 1.900 USD/ounce

Việt Báo (Tổng hợp)| 26/06/2023 06:00

Việt Nam đã chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu; Các sân bay đón 14,4 triệu lượt khách quốc tế

img-bgt-2021-fe702b1c-2a96-45f6-ba9b-b20a46b5fb46-1687534675-width1280height720.jpeg

- Vàng sẽ sớm kiểm tra mốc 1.900 USD/ounce

Các nhà phân tích cho rằng, việc kiểm tra mức 1.900 USD/ounce chỉ còn là vấn đề thời gian, nhưng đây là 'điều cần thiết để mang lại cho các nhà đầu tư mới, nguồn tiền mới cho thị trường'.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 50.000 đồng/lượng trong ngày hôm 24/6, vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng hôm ngày 25/6 tại Hà Nội đi ngang, hiện niêm yết ở mức 66,5 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,5 – 67,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính chung từ đầu tuần, giá vàng giữ nguyên giá ở cả chiều mua vào và chiều bán ra.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 25/6 tăng 70.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 55,59 – 56,44 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 6,4 USD lên 1.920,2 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York tăng 5,9 USD, tương ứng tăng 0,31% lên 1.929,6 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay giảm 41,6 USD/ounce, tương ứng giảm 2,11%.

Khi các nhà đầu tư sẵn sàng đóng sổ sách vào tháng 6, vàng đang chứng kiến hiệu suất hàng tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 2 khi giá kết thúc tuần dưới mức 1.950 USD/ounce. Kim loại quý có thể tiếp tục gặp khó khăn khi tâm lý giảm giá khẳng định trên thị trường.

Khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News nhấn mạnh xu hướng giảm nhẹ đối với thị trường giữa các nhà phân tích Phố Wall và nhà đầu tư bán lẻ Phố chính. Một số nhà phân tích đã nói rằng với đà đi xuống trên thị trường, việc ngưỡng hỗ trợ được kiểm tra quanh mức 1.900 USD/ounce chỉ còn là vấn đề thời gian.

- Các sân bay đón 14,4 triệu lượt khách quốc tế

Sản lượng khách quốc tế tăng 493,5% so với cùng kỳ năm 2022, đáng chú ý là sự hồi phục của thị trường Đông Bắc Á.

Tin từ Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam-ACV, sản lượng chuyến bay và hành khách tại 21 cảng hàng không 6 tháng đầu năm 2023, tiếp tục hồi phục tốt, đặc biệt đối với thị trường quốc tế.

ACV nhận xét thị trường hàng không đã có sự phục hồi tốt, nhất là sản lượng khách quốc tế tăng 493,5% so với cùng kỳ năm 2022, đáng chú ý là sự hồi phục của thị trường Đông Bắc Á. Trái lại, thị trường nội địa, hành khách chỉ tăng 2% so cùng kỳ 2022.

Theo số liệu thống kê của ACV, sản lượng hạ cất cánh đạt hơn 364.800 lượt chuyến, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, hạ cất cánh quốc tế đạt hơn 99.290 lượt chuyến, tăng 151,6% so cùng kỳ 2022.

Sản lượng hành khách đạt hơn 56,8 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 14,4 triệu khách.

- Việt Nam đã chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu

Việt Nam nhập khẩu 4,17 triệu tấn xăng dầu các loại trong 5 tháng đầu năm, với trị giá 4,19 tỷ USD, xấp xỉ lượng của cùng kỳ năm trước, trong khi trị giá giảm 18,5%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 5 đạt 910.000 tấn, tăng 36,4% so với tháng trước với trị giá là 645 triệu USD, tăng 20,8%.

Lũy kế 5 tháng/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 4,17 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 4,19 tỷ USD, xấp xỉ lượng của cùng kỳ năm trước trong khi trị giá giảm 18,5%.

Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 2,2 triệu tấn, giảm 10,4%, chiếm 53% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 910.000 tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 22% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu.

Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 5 tháng/2023 tăng ở thị trường Singapore và Trung Quốc nhưng giảm ở thị trường Malaysia và Hàn Quốc. Cụ thể, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 1,67 triệu tấn, giảm 2,8%; Malaysia là là 665.000 tấn, giảm 5,1%; trong khi đó nhập khẩu từ Singapore là 1,06 triệu tấn, tăng 85,6%; Trung Quốc là 396.000 tấn, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

- Agribank được tăng vốn lên hơn 51.500 tỷ đồng

Ngân hàng Agribank vừa được Quốc hội thông qua phương án đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, qua đó tổng vốn tại ngân hàng này sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.

Ngày 24/6, Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.

Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2023 sẽ bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 để tăng vốn. Năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Trước đó, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với đề xuất của Chính phủ, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và giới hạn số tối đa được cấp là 17.100 tỷ đồng.

Hiện tại, nguồn cho Agribank tăng vốn đã sẵn sàng. Số tiền 17.100 tỷ đồng là tương ứng với phần lợi nhuận còn lại Agribank nộp Ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2021-2023.

Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm 2022 là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước. Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.

- Vietcombank tăng loạt phí dịch vụ thẻ ATM, tín dụng từ 1/7

Danh mục thẻ thuộc diện điều chỉnh biểu phí của Vietcombank từ 1/7 bao gồm toàn bộ sản phẩm thẻ cá nhân, thẻ tín dụng quốc tế và thẻ ghi nợ (ATM).

Vietcombank vừa có thông báo về việc điều chỉnh biểu phí một số sản phẩm thẻ kể từ ngày 1/7.

Cụ thể, nhà băng này cho biết trước đây ngân hàng áp dụng miễn phí toàn bộ sản phẩm thẻ cá nhân với 2 dịch vụ kích hoạt thẻ tại quầy và phí gửi thẻ trực tiếp. Tuy nhiên, từ 1/7, 2 dịch vụ này sẽ bị tính phí 20.000 đồng/thẻ, áp dụng với toàn bộ sản phẩm thẻ cá nhân.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng tăng 2 loại phí đối với thẻ tín dụng quốc tế. Trong đó, phí chấm dứt sử dụng thẻ tín dụng quốc tế vật lý tăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng/thẻ. Áp dụng với toàn bộ sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế cá nhân (ngoại trừ thẻ Visa Signature) và không áp dụng với thẻ phi vật lý.

Với phí không thanh toán đủ số tiền thanh toán tối thiểu trên thẻ tín dụng quốc tế, Vietcombank vẫn áp dụng thu phí 3% giá trị thanh toán tối thiểu chưa thanh toán. Tuy nhiên, mức thu tối thiểu được điều chỉnh tăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng. Đồng thời chính sách này sẽ áp dụng với toàn bộ thẻ dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng tổ chức không phân biệt hạng thẻ (bao gồm cả các sản phẩm thẻ liên kết). Trước đó, khách sạn sở hữu thẻ hạng Platinum trở lên được miễn trừ áp dụng loại phí này.

Với thẻ ghi nợ (ATM), Vietcombank điều chỉnh 4 loại phí dịch vụ từ 1/7. Trong đó, phí duy trì thẻ ghi nợ nội địa và quốc tế công nghệ từ trước đây không thu, từ 1/7 sẽ bị tính phí 10.000 đồng/tháng/thẻ. Chính sách này sẽ không bao gồm khách hàng đã chuyển đổi Chip.

Vietcombank cho biết sẽ hoàn lại khoản phí này trong trường hợp khách hàng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip và/hoặc khóa thẻ từ trong vòng 3 tháng kể từ ngày thu phí. Trường hợp ngân hàng thu phí không thành công, thẻ từ của khách hàng sẽ bị khóa tự động.

Khách hàng cũng phải trả 50.000 đồng/thẻ phí chấm dứt sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế vật lý thay vì được miễn phí như trước đây. Tuy nhiên, Vietcombank cũng lưu ý quy định này không áp dụng với thẻ phi vật lý.

Ngược lại, Vietcombank cho biết sẽ áp dụng miễn phí đòi bồi hoàn đối với thẻ ghi nợ nội địa, thay vì áp dụng mức 45.454 đồng/giao dịch như trước.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 26/6: Vàng sẽ sớm kiểm tra mốc 1.900 USD/ounce
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO