Đề xuất này được các đại biểu Quốc hội nhắc đến khi thảo luận tại tổ sáng 10/11 về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (nguyên Giám đốc Công an Quảng Bình) đề nghị quan tâm kiểm soát người được cấp giấy phép lái xe sau sát hạch.
Theo ông, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, phương tiện giao thông cơ giới tăng vọt. Thống kê cho thấy cả nước hiện nay có khoảng 57,1 triệu giấy phép lái xe, trong đó 47,6 triệu giấy phép lái xe máy, 9,5 triệu giấy phép lái ô tô.
Cả nước hiện có khoảng 340 cơ sở đào tạo lái xe và 137 Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân.
Dù vậy, đại biểu Nam cho rằng ở từng khâu vẫn đang nổi lên những vấn đề tồn tại, hạn chế lớn, như: chương trình đào tạo chưa phù hợp, sát thực tế; việc giáo dục đạo đức văn hóa người lái xe còn bị coi nhẹ.
Đặc biệt, qua một số vụ án Công an phát hiện liên quan đến các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe thời gian qua cho thấy có hàng chục nghìn trường hợp học viên không học lý thuyết; nhiều cơ sở đào tạo lái xe cắt giảm thời gian học thực hành kỹ năng lái xe; việc tổ chức sát hạch còn hình thức, dễ dãi.
Bên cạnh đó, theo vị đại biểu, công tác quản lý người lái xe sau sát hạch vẫn bị bỏ ngỏ, sau khi được cấp giấy phép lái xe hầu như không có biện pháp quản lý. Thực tế này dẫn đến nhiều trường hợp lái xe không đủ sức khỏe, tâm thần, nghiện ma túy.
Từ thực tế này, nguyên Giám đốc Công an Quảng Bình nhấn mạnh cần chú trọng biện pháp quản lý người lái xe sau sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Ông gợi ý nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này, thông qua giấy phép lái xe tích hợp thông tin cần thiết của người lái xe từ các hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan; có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, trao đổi thông tin giữa cơ quan xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và cơ quan quản lý giấy phép lái xe…
Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; trừ điểm giấy phép lái xe và coi đây là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
"Thực tế nhiều người liên tục vi phạm Luật giao thông trong một thời gian ngắn nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Nhiều nước đang áp dụng biện pháp này như một cách để đánh giá thái độ của lái xe đối với vi phạm, buộc họ phải ý thức hơn nữa, nếu không sẽ bị tước giấy phép lái xe và phải học lại, thi lại mới được cấp bằng trở lại", theo ông Nam.
Cùng quan điểm, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam), cho biết, hàng năm Bộ GTVT cấp rất nhiều giấy phép lái xe nhưng chưa có tổng kết nào về việc kiểm soát sau khi sát hạch.
"Có người học lái xe xong lấy bằng nhưng 3-4 năm không lái xe, sau đó lái xe lại thì ai kiểm soát", ông đặt câu hỏi và nhận định đây là nguyên nhân của tai nạn giao thông.
Thực tế, theo ông có 40% tai nạn giao thông liên quan xe tải trọng lớn, trong đó lái xe vi phạm không chỉ nồng độ cồn mà còn ma túy. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng và đáng cảnh báo. Ông đề nghị trong luật đường bộ cần quy định rõ vai trò, vị trí của đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe gắn với đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Với đề xuất của đại biểu Nguyễn Tiến Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện đồng tình và cho rằng cần phải có quy định trừ điểm bằng lái xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông dẫn chứng khi thi và lấy bằng lái xe ở bang California (Mỹ) cũng áp dụng quy định, nếu tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ các lỗi cụ thể. Khi giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe và phạt hành chính.