Nội dung này được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề xuất chiều 25/7, tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Nội dung cuộc làm việc về thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cụ thể, ông Dũng cho rằng đối với nhu cầu xây dựng 10 tuyến đường sắt trên địa bàn Hà Nội, nếu thực hiện theo quy trình, cách thức hiện nay sẽ manh mún và kéo dài. Do đó, ông đề xuất cơ chế dành riêng một gói vay ODA dành cho cả 10 tuyến để thực hiện đồng bộ, bảo đảm kỹ thuật và thời gian vận hành...
Theo Bí thư Hà Nội, nội dung cuộc làm việc đều là những hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội có điều kiện phát triển bứt phá, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.
Ông Dũng khẳng định thành phố tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến trao đổi, góp ý của Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành các báo cáo.
Trong đó, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội 3 nội dung có tính chiến lược vào kỳ họp tháng 10 tới gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi), người đứng đầu Đảng bộ thành phố khẳng định điều quan trọng nhất của Luật này là phải giao quyền cho Hà Nội, tạo động lực mới cho thủ đô phát triển.
Trong đó, ông Dũng lấy ví dụ về việc giao quyền cho thủ đô quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), đầu tư các dự án cầu quy mô lớn như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng; các cầu liên tỉnh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương như cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc...
Theo ông Dũng, nếu chờ các bước theo quy trình thủ tục, trình Quốc hội, sẽ rất lâu. Còn nếu giao cho Hà Nội, thành phố sẽ làm được.
"Thực tế vừa qua, để sớm giải quyết những nhu cầu bức xúc từ thực tiễn, thành phố đã chủ động dùng ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo quốc lộ 6, làm đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình hay 14km đường vành đai 3 đoạn qua huyện Đông Anh...", Bí thư Hà Nội dẫn chứng.
Ngoài ra, ông Dũng cũng đề xuất xem xét cụ thể việc quy định thời hạn sử dụng chung cư; cơ chế bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa lịch sử; huy động nguồn nhân lực chất lượng cao, xử lý các dự án còn tồn đọng...