Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo mới nhất về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với cột mốc khởi công trong năm 2025.
Đề án này được Chính phủ giao UBND TP.HCM chủ trì thực hiện; nằm trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị liên quan về hồ sơ đề án và dự kiến hoàn thành trình Thủ tướng trong quý 1/2024.
Về dự án đầu tư, TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu. Đơn vị này đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương trong tháng 3/2024.
Về quy hoạch, Bộ GTVT cũng đã trình Thủ tướng, dự kiến phê duyệt trong tháng 3/2024.
Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng mức đầu tư ước tính gần 129.000 tỷ đồng (trên 5 tỷ USD) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư theo 7 giai đoạn (giai đoạn cuối đến năm 2047).
Vị trí cảng dự kiến xây dựng tại khu vực Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, với tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7km, bến sà lan khoảng 2km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571ha, trong đó có cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật....
Theo Sở GTVT TP.HCM, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là dự án mang tính chiến lược quốc gia, nhằm tận dụng lợi thế của luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ và khai thác triệt để vai trò của cụm cảng biển số 4, với tổng diện tích khoảng 600ha.
Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung, hỗ trợ cho các cảng trong khu vực, bao gồm cả Cái Mép - Thị Vải, trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Cảng Cần Giờ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa đến và đi từ các vùng sản xuất công nghiệp nội địa lớn cho toàn khu vực Đông Nam Bộ, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và tạo ra một trung tâm hậu cần quan trọng cho khu vực miền Nam và điểm đến quan trọng trong hành trình vận tải hàng hải quốc tế.
Ngoài ra, cảng này cũng sẽ góp phần phát triển kinh tế biển của TP.HCM, nâng cao tỷ trọng khối dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.