Dân ‘thắt chặt hầu bao’, siêu thị lớn cũng than ế nặng

26/01/2024 07:00

Các doanh nghiệp, siêu thị, tiểu thương đã chuẩn bị lượng hàng lớn để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Song, “ế ẩm”, “èo uột khách” là những từ được giới kinh doanh nhắc đến nhiều nhất khi người dân giảm mua sắm Tết.

Doanh nghiệp tăng dự trữ hàng Tết

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tại các siêu thị hay chợ truyền thống, hàng hoá phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân đã chất đầy quầy kệ, sạp hàng.

Trong buổi làm việc với ngành Công Thương về cung ứng hàng Tết mới đây, đại diện WinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Winmart/Winmart+) nhận định, tháng cận Tết nhu cầu mua sắm tăng khoảng 20% so với các tháng khác trong năm.

Theo đó, doanh nghiệp đã lên phương án cung ứng hàng hóa 2-3 tháng trước Tết, đồng thời thu mua hàng hóa các tỉnh, địa phương để chuẩn bị cho dịp Tết, chú trọng các mặt hàng trọng tâm như rau củ quả, thịt, trứng, cá... Hiện nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào, giá cả không biến động lớn.

W-sieu-thi-6-1.jpg
Các siêu thị đều tăng dự trữ hàng tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (Ảnh: Minh Hiền)

Kỳ vọng sức mua tăng 50%, bà Nguyễn Thị Kim Dung - đại diện Saigon Co.op - cũng cho biết, doanh nghiệp đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ trước và sau Tết Nguyên đán với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20-50% tùy theo nhóm hàng so với các tháng trong năm.

Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội, BRG Mart, BigC... chia sẻ, lượng dự trữ hàng hóa, thực phẩm của doanh nghiệp tăng 2,5 lần so với những tháng trong năm. Bởi, các doanh nghiệp kỳ vọng sức mua sẽ tăng 20-40% so với ngày thường.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngành Công Thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng miền.

Cụ thể, thành phố Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1500 tấn bánh kẹo,...

Tại TP.HCM có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán và là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối. Các doanh nghiệp này chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn chiếm 8.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, dự kiến thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000-15.000 tấn/ngày.

Kỳ vọng sức mua tăng cao nhưng khách èo uột

“Hàng ế lắm, sức mua giảm mạnh so với Tết năm ngoái”, lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn chia sẻ với PV.VietNamNet khi nói về nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán 2024.

Hiện bước vào cao điểm mua sắm Tết nhưng vị lãnh đạo này thừa nhận, sức mua chỉ nhỉnh hơn ngày thường và còn kém xa so với kỳ vọng tăng 20-30% mà doanh nghiệp tính toán trước đó. Ngay cả những mặt hàng cơ bản cho Tết như bánh kẹo, bia rượu, thực phẩm... lượng tiêu thụ những ngày này cũng chỉ tăng 5-10% so với ngày thường.

W-sieu-thi-3-1.jpg
Các nhiêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm Tết (Ảnh: Minh Hiền)

Vị này cho hay, năm nay kinh thế khó khăn, người dân có xu hướng “thắt chặt hầu bao”. Khi lên kế hoạch chuẩn bị hàng hoá Tết, doanh nghiệp khá dè dặt trữ hàng. Lượng hàng Tết năm nay dự trữ đều giảm so với những Tết trước đó, song nguy cơ ế vẫn cao dù đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm.

Tại các chợ truyền thống, tiểu thương cũng than hàng hoá ế ẩm, khách mua èo uột.

Chị Đào Thị Lý, đầu mối bán giò chả tại Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, gia đình chị đã làm giò chả bán được 15 năm nhưng chưa bao giờ hàng hoá lại ế ẩm như dịp Tết này.

Những năm trước vào vụ Tết, một ngày gia đình chị làm trên dưới 1 tấn giò chả để vừa bán sỉ và bán lẻ. Từ 23-28 tháng Chạp, lượng đơn khách sỉ đặt thường quá tải, phải từ chối bớt. Dịp Tết này, lượng giò chả sản xuất giảm mạnh. Hàng bán ế ẩm còn hơn cả những năm bị dịch Covid-19, chị Lý tâm sự.

Chị Chu Minh Phương, chuyên buôn bán các loại mứt trái cây tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), thừa nhận, đã giữa tháng Chạp nhưng vẫn èo uột khách.

Chị chia sẻ, những mặt hàng mứt trái cây này của chị được nhập về bán sỉ theo cân, theo thùng hoặc đóng theo hộp để phục vụ nhu cầu mua làm quà biếu tặng Tết. Năm ngoái, chỉ riêng hộp mứt trái cây, tổng lượng hàng bán ra lên tới gần 2 vạn hộp. Lượng mứt bán sỉ theo cân cũng tới 4-5 tấn.

Năm nay, người dân thắt chặt chi tiêu, lượng hàng chị dự trữ để bán Tết chỉ bằng 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hàng vẫn ế nặng dù giá bán không tăng.

“Đến thời điểm này, tôi mới tiêu thụ hết 30% so hàng tích trữ dù Tết đã cận kề", chị Phương nói. Theo tính toán của chị, người dân chỉ tập trung mua sắm nhiều trong khoảng 10 ngày tới. Nếu hàng không tiêu thụ hết thì vụ Tết này lỗ nặng.

Để kích cầu mua sắm dịp Tết, các hệ thống siêu thị đồng loạt tung ra chương trình khuyến mãi giảm giá sâu từ 10-40% áp dụng với nhiều mặt hàng thiết yếu. Thậm chí, mặt hàng thịt lợn, sau khi khuyến mãi giá còn rẻ hơn cả ngoài chợ.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dan-that-chat-hau-bao-cho-tet-day-ap-hang-nhung-eo-uot-khach-2243795.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/dan-that-chat-hau-bao-cho-tet-day-ap-hang-nhung-eo-uot-khach-2243795.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dân ‘thắt chặt hầu bao’, siêu thị lớn cũng than ế nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO