Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường

09/02/2023 08:55

Cao Văn Tuất dáng người nhỏ, cao gần 1,6m, tính thật thà, chân chất. Ngoài hát hay, Tuất còn có tài viết văn, làm thơ", cựu binh Nguyễn Tiến Huế nhớ về người đồng đội cùng quê.

Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường

"Cao Văn Tuất dáng người nhỏ, cao gần 1,6m, tính thật thà, chân chất. Ngoài hát hay, Tuất còn có tài viết văn, làm thơ", cựu binh Nguyễn Tiến Huế nhớ về người đồng đội cùng quê Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Những ngày qua, ông Hà Huy Mỳ, 62 tuổi, ở thôn Cao Thắng (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - người đang chăm lo hương khói cho liệt sĩ Cao Văn Tuất vui khôn xiết khi cơ quan chức năng bước đầu xác định cuốn nhật ký mà cựu binh Mỹ đang lưu giữ là của cậu mình.

"Cậu hy sinh đã lâu. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, gia đình chúng tôi từng đi tìm phần mộ của cậu nhưng chưa có kết quả. Hy vọng kỷ vật này sau khi được trao trả sẽ giúp chúng tôi có thêm manh mối, dữ liệu về cậu", ông Mỳ bày tỏ.

Người lính giải phóng trong ký ức đồng đội

Theo lời ông Mỳ, liệt sĩ Cao Văn Tuất, là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em. Ông Tuất có 2 chị gái gồm Cao Thị Diếu (mẹ ông Mỳ), Cao Thị Nồng và em gái Cao Thị Nành (mất khi 17 tuổi do trúng bom).

"Tôi nghe bố mẹ kể, thời đó, sinh ra trong chiến tranh loạn lạc, gia đình kinh tế khó khăn nhưng cậu Tuất rất chăm học", ông Mỳ nhớ lại.

Trưởng thành, chàng trai Cao Văn Tuất có một mối tình với người con gái cùng làng. Năm 1963, khi đang tuổi đôi mươi, anh gác lại việc học, gác cả tình cảm cá nhân, rời xa gia đình, lên đường nhập quân ngũ theo tiếng gọi của tổ quốc.

Đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử nhưng trong thâm tâm, bố mẹ anh Tuất vẫn hy vọng con mình còn sống trở về. Thế rồi hàng chục năm trôi qua không một tin tức, bố mẹ, người thân mới chấp nhận sự thật, liệt sĩ Tuất đã hy sinh. Gia đình từng nỗ lực tìm kiếm phần mộ người trai trẻ mãi mãi ra đi ở độ tuổi thanh xuân mà chưa thành.

Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường - 1

Ông Hà Huy Mỳ xúc động khi kể về cậu của mình - liệt sĩ Cao Văn Tuất.

"Lúc còn sống, ông bà luôn lo lắng việc của cậu, hỏi con trai đang ở đâu mà không tìm thấy. Mẹ chồng tôi (bà Diếu, chị gái liệt sĩ Cao Văn Tuất) cũng vậy, bà khóc nhiều vì nhớ. Cậu vẫn đi biền biệt", bà Dương Thị Thế (62 tuổi, vợ ông Mỳ) kể.

Khi biết các cơ quan tới gia đình ông Mỳ tìm hiểu, ông Phan Văn Minh (72 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn Cao Thắng, vào hỏi thăm, nghe ngóng tin tức.

Ông Minh nói, liệt sĩ Tuất hơn mình 9 tuổi. Liệt sĩ Cao Văn Tuất ngày ấy có tiếng trong xóm vì điển trai và ham học. "Trong 4 người cùng thôn Cao Thắng đi lính đợt đó, chỉ ông Nguyễn Tiến Huế còn sống", ông Minh nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí qua điện thoại, ông Nguyễn Tiến Huế (79 tuổi, hiện sinh sống tại TPHCM) cho biết, ở thôn Cao Thắng, nhà của liệt sĩ Cao Văn Tuất nằm sát biển, nhà ông cũng cách đó không xa.

Vào ngày 6/4/1963, ông Huế cùng các ông Hà Văn Ngấn, Cao Xuân Lý và Cao Văn Tuất hăng hái lên đường nhập ngũ, xuất phát từ trung tâm huyện Kỳ Anh. Tiếp đó, họ hành quân vào chiến trường phía Nam.

Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường - 2

Giấy chứng nhận đeo huân chương và sổ liệt sĩ của liệt sĩ Cao Văn Tuất.

"Khi dừng chân ở Quảng Bình, bốn anh em đồng hương vẫn thường chạy qua, chạy lại thăm nhau. Chúng tôi còn giao lưu văn nghệ nữa, người thổi sáo, người hát hay, còn Tuất có thêm tài viết văn, làm thơ. Tuất dáng người nhỏ, cao gần 1,6m, tính thật thà, chân chất", ông Huế hồi tưởng.

Từng xem đồng đội sáng tác thơ ca, nên khi nhìn nét chữ trong cuốn nhật ký mà người cựu binh Mỹ lưu giữ, ông Huế đã xác nhận thông tin với cơ quan chức năng, đó là chữ của liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Khi vào chiến trường, ông Huế và ông Tuất chiến đấu ở những trung đoàn và chiến trường khác nhau. Họ mất liên lạc từ đó. Những năm qua, ông Huế luôn thương nhớ người đồng đội cùng quê. Cuốn nhật ký xuất hiện khiến người cựu binh không khỏi bồi hồi, xúc động.

Lý do có sự khác nhau tên đệm "Xuân" - "Văn"

Theo cựu binh Nguyễn Tiến Huế, trong nhóm 4 người cùng đi lính, ông Cao Xuân Lý và ông Cao Văn Tuất ở sát nhà nhau.

"Ông Lý tên ở nhà là Lỳ. Bốn chị em nhà ông ấy tên Lù, Lỳ, Lý, Kỳ. Ngày xưa đặt tên xấu lắm nên khi nhập ngũ thì Lỳ đổi là Cao Xuân Lý. Cùng lớn lên, cùng ra chiến trường, khả năng Tuất thích tên đệm như Lý nên đổi thành Cao Xuân Tuất như trong cuốn sổ", ông Huế nhận định.

Còn ông Hà Huy Mỳ (cháu liệt sĩ Cao Văn Tuất) chia sẻ, ngay từ đầu đã ngờ ngợ trước cái tên trong cuốn nhật ký, vì giống với cậu mình, chỉ khác tên đệm.

Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường - 3
Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường - 4
Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường - 5
Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường - 6

Hôm 1/2, ông Mỳ được cơ quan chức năng điện thoại hỏi thông tin, đối chiếu từng cái tên xuất hiện trong cuốn sổ. Đó là, bố Cao Văn Kế, mẹ Lê Thị Vỹ, chị Diếu. Lúc này, ông Mỳ thực sự vỡ òa.

"Tôi nói với cán bộ là chính xác 100% rồi, có đi tìm khắp cũng không thể trùng khớp vậy được. Còn về tên đệm, có thể khi viết nhật ký, cậu thấy Cao Xuân Tuất đẹp nên ngẫu hứng đổi tên đệm từ "Văn" thành "Xuân" như vậy", ông Mỳ nói.

Một vị lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh cũng nhận định, có thể liệt sĩ Cao Văn Tuất khi viết nhật ký đã tự thay đổi tên đệm của mình cho đẹp.

Sẽ hỗ trợ tối đa việc tìm kiếm phần mộ liệt sĩ

Khi vào cuộc, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra bản trích lục thông tin về quân nhân hy sinh, từ trần, mất tin, mất tích trong chiến tranh do Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cung cấp.

Kết quả cho thấy, hiện trên địa bàn huyện Kỳ Anh có liệt sĩ Cao Văn Tuất (họ tên cha: Cao Văn Kế), đơn vị E22/F3, Quân khu 5. Ông Cao Văn Tuất hy sinh ngày 10/12/1967 tại Tường Lâm, Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định. Đây cũng là địa chỉ được viết trong cuốn nhật ký. Thông tin khác cũng trùng khớp.

Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường - 7
Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường - 8

Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường - 9

"Dữ liệu này sẽ giúp ích cho việc tìm kiếm phần mộ liệt sĩ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa cho gia đình thân nhân liệt sĩ trong việc này", một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định.

Vào sáng 8/2, ông Hà Huy Mỳ đã được chính quyền báo tin trên cùng việc cựu binh Mỹ có mong muốn sang Việt Nam trao trả cuốn nhật ký vào đầu tháng 3.

"Chúng tôi cảm ơn người cựu binh Mỹ vì đã cất giữ cuốn nhật ký trong suốt 56 năm qua. Tôi từng tham gia quân đội từ năm 1981, chiến đấu với quân Pol Pot, Campuchia. Vì thế, tôi càng thấu hiểu sự đau thương, mất mát của chiến tranh. Nhưng tất cả đã lùi xa. Tôi mong cựu binh Mỹ quên đi nỗi đau buồn trong quá khứ để hướng về cuộc sống hòa bình hiện tại. Tôi cũng cảm ơn chính quyền từ tỉnh đến thôn đã hỗ trợ cựu binh Mỹ cũng như gia đình xác nhận thông tin chủ nhân cuốn nhật ký", ông Mỳ xúc động.

Ngày 27/1, câu chuyện về ông Peter Mathews muốn trao trả cuốn nhật ký của người lính Việt Nam được đăng tải bởi báo North Jersey (Mỹ). Ông Mathews tìm thấy cuốn nhật ký trong chiếc ba lô của bộ đội Việt Nam trong trận Đăk Tô, Tây Nguyên vào tháng 11/1967 và giữ nó đến nay.

Nắm thông tin này, nhiều cơ quan chức năng của Hà Tĩnh như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Kỳ Anh đồng loạt vào cuộc, rà soát, xác minh.

Qua đó, Hà Tĩnh bước đầu xác định liệt sĩ Cao Văn Tuất (trú tại thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) là chủ nhân cuốn nhật ký.

Dương Nguyên 

* Trong bài có sử dụng hình ảnh của báo North Jersey và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cung cấp.

09/02/2023

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/an-sinh/cuon-nhat-ky-luu-lac-ky-uc-ve-nguoi-linh-ca-thanh-xuan-o-chien-truong-20230208171443288.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/an-sinh/cuon-nhat-ky-luu-lac-ky-uc-ve-nguoi-linh-ca-thanh-xuan-o-chien-truong-20230208171443288.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuốn nhật ký lưu lạc: Ký ức về người lính cả thanh xuân ở chiến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO