Cử tri phản ánh bảo hiểm xe máy bán tràn lan, Bộ Tài chính nói gì?

28/10/2023 18:04

Bộ Tài chính cho biết các quy định hiện hành đã nêu rất rõ trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết thủ tục bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có trả lời kiến nghị cử tri về công tác quản lý đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Trước đó, Bộ Tài chính nhận được phản ánh của cử tri về việc tình trạng bán bảo hiểm xe máy không đảm bảo điều kiện đang diễn ra phổ biến, thủ tục bồi thường đối với xe máy phức tạp. Vì vậy, để người dân yên tâm khi mua bảo hiểm, cử tri đề nghị đơn giản thủ tục bồi thường, đồng thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng bán bảo hiểm tràn lan, không đảm bảo điều kiện, quyền lợi của người mua.

Cử tri phản ánh bảo hiểm xe máy bán tràn lan, Bộ Tài chính nói gì? - Ảnh 1.

Cử tri cho rằng thủ tục bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới trong các vụ tai nạn còn phức tạp (Ảnh minh hoạ)

Trả lời cử trí, Bộ Tài chính cho biết về kiến nghị đơn giản thủ tục bồi thường đối với xe máy, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP trên cơ sở kế thừa Nghị định số 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong đó đã bao gồm các giải pháp cắt giảm thủ tục, quy trình và hồ sơ bồi thường bảo hiểm.

Theo đó, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường khi đã cắt giảm 2/5 tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng so với quy định trước đây; chỉ yêu cầu thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách.

Đồng thời, Nghị định cũng nêu rõ các lực lượng công an có trách nhiệm cung cấp bản sao các tài liệu trên trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra tai nạn giao thông. Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Cụ thể, khi nhận được thông báo tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải kịp thời hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường (trong vòng 1 giờ), tổ chức thực hiện công tác giám định tổn thất (trong vòng 24 giờ); trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường. Đồng thời, quy định rõ thời hạn thanh toán bồi thường là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ.

Về kiến nghị có giải pháp ngăn chặn tình trạng bán giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới không đảm bảo điều kiện, đảm bảo điều kiện quyền lợi của người mua, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 6-9-2023) quy định về bảo hiểm bắt buộc trong đó có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Theo đó, bên cạnh việc bán và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm như trước đây, doanh nghiệp bảo hiểm có thể cấp chứng nhận bảo hiểm điện tử. Để ngăn chặn tình trạng bán chứng nhận bảo hiểm tràn lan, Nghị định đã có các quy định như yêu cầu mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp và định danh sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Đồng thời, Nghị định 67 cũng nêu rõ các quy định về giải thích rõ điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu, bảo đảm bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phân biệt rõ giữa loại hình bảo hiểm bắt buộc với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác; Không khuyến mại, chiết khấu thanh toán dưới mọi hình thức đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Theo Bộ Tài chính, quy định hiện hành cũng yêu cầu doanh nghiệp tích hợp tính năng tra cứu giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, cho phép cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tra cứu, xác minh thời hạn và hiệu lực bảo hiểm của Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Minh Chiến

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cử tri phản ánh bảo hiểm xe máy bán tràn lan, Bộ Tài chính nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO