Báo cáo kinh tế - xã hội cùng những giải pháp để phục hồi nền kinh tế là một trong những nội dung được thảo luận sáng 9/5, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi nghe báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định báo cáo chưa phân tích rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Ông đề nghị đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước.
Dòng tiền vẫn còn "nghẽn"
Theo ông Phương, không phải đến quý I/2023, GDP mới giảm đột ngột từ 8,2% xuống 3,3%. Xu hướng giảm đã bắt đầu từ cuối quý III và đầu quý IV/2022.
"Khi đánh giá đúng biểu đồ này thì không cảm thấy đột ngột, chứ nếu rớt từ 8,2% xuống 3,3% thì cảm giác sẽ bất an", ông Phương nói và yêu cầu phân tích tồn tại, hạn chế một cách khoa học, chặt chẽ, đầy đủ hơn.
Ông dẫn lại báo cáo của Chính phủ nêu đầu năm 2023 còn nhiều khó khăn nhưng những biện pháp tháo gỡ ban hành từ đầu năm đã tạo chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn dòng tiền cho nền kinh tế…
Nhưng thực tế, ông Phương cho biết các chuyên gia đánh giá dòng tiền vẫn còn "nghẽn", chưa phát huy tác dụng. Việc đánh giá quá lạc quan có thể gây khó trong xác định biện pháp điều hành.
"Cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng là các doanh nghiệp thân thuộc, kể cả các ngân hàng thương mại. Chỗ đó tôi đề nghị đánh giá cho đúng", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội, tại phiên họp sáng 9/5. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ông Phương cũng dẫn nội dung Chính phủ báo cáo "tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và các tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực".
"Vì tăng trưởng rất thấp, báo cáo của Chính phủ là thấp hơn cùng kỳ nhưng khẳng định của Ủy ban Kinh tế là tăng trưởng rất thấp. Các chuyên gia cũng khẳng định là thấp so với chỉ tiêu và khả năng của nền kinh tế", ông Phương nói và cho rằng trong khi dịch diễn biến phức tạp, kịch bản điều hành lại chưa rõ.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nêu rõ tồn tại của nội tại nền kinh tế, đặc biệt là phân tích nguyên nhân vì sao khả năng giải ngân nguồn vốn của chương trình phục hồi rất thấp.
Ông Phương cho rằng báo cáo chưa làm rõ những tồn tại của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế trước tác động bên ngoài còn rất hạn chế; chỉ cần biến động nhỏ của thế giới cũng tác động lớn. Chúng ta là nền kinh tế mở, nhưng nếu bên trong tốt thì sẽ giảm thiểu tác động bên ngoài.
"Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì doanh nghiệp nói rất thẳng thắn là đã dùng những đồng dự trữ cuối cùng của họ để trang trải cho hai năm vừa rồi. Bây giờ thì họ không còn gì nữa, không còn dư địa nào để làm", ông Phương nói.
Phó chủ tịch Quốc hội nhận định một trong những nguyên nhân đó là giải quyết các tồn tại chậm như ngân hàng yếu kém, các tổ chức, dự án yếu kém không hiệu quả và đầu tư công.
Đồng thời, dự báo để tham mưu cũng có những bị động, phản ứng chính sách chưa kịp thời. Do đó, ông Phương đề nghị cần kiểm tra lại xem một số chính sách có cực đoan không, nhất là với một số vấn đề người dân phản ánh như tiêu chí định mức PCCC, kiểm định xe, trái phiếu doanh nghiệp...
Cùng với đó, ông đề nghị đánh giá các chính sách giữa tài khóa và tiền tệ đã thực chất đi vào cuộc sống chưa; sự phối hợp của bộ ngành và cơ quan Trung ương trong tháo gỡ các khó khăn, ách tắc, vướng mắc có đủ để khơi thông nguồn lực như đầu tư, xuất nhập khẩu và tiêu dùng.
Với đầu tư, ông Phương cho rằng đầu tư công có vẻ sáng nhưng đầu tư tư nhân hạn chế do khả năng của doanh nghiệp càng ngày càng yếu.
Về giải pháp, Phó chủ tịch Quốc hội đồng tình với các hướng của Chính phủ nêu nhưng ông yêu cầu cần cụ thể hơn, nhất là với những tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành, quyết định các vấn đề trước tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng.
Cần có kịch bản ứng phó cho năm 2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng báo cáo Chính phủ đề cập các yếu kém chung chung, đánh giá chưa sát, nên cần đánh giá sát thực và khách quan hơn.
Theo ông, ngân sách xây dựng dự toán quá thấp, vô hình trung tự bó hẹp không gian tài khoá. Theo đó, phải phấn đấu tăng thu để tăng chi nhưng xây dựng dự toán thấp thì chi cũng thấp, trong khi dự toán ngân sách vượt 400.000 tỷ đồng, tương đương gần 20 tỷ USD.
"'Bệnh' này mấy năm rồi không khắc phục được, và có phần trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Vượt thì mừng, nhưng lo là quy trình ngân sách có vấn đề", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 để có kịch bản ứng phó kịp thời. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ông dẫn số liệu cho thấy quý IV/2022, kinh tế đối diện nhiều cú sốc từ bên trong và ngoài, nhưng Việt Nam vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và lạm phát.
Vì vậy, ông Huệ đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn tình hình năm 2023 để có kịch bản ứng phó kịp thời. Theo đó, ông cho biết lạm phát năm 2022 là 3,15% là điểm sáng nhưng theo các chuyên gia, việc điều hành quá chặt khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội điều chỉnh dịch vụ công.
"Lạm phát thấp nhưng lãi suất lại cao, doanh nghiệp khó khăn. Điều hành chính sách tiền tệ, nới room tín dụng quá muộn khi còn mười mấy ngày cuối năm 2022 mới nới room tín dụng, kết quả là không dùng hết room tín dụng đã mở và không dùng hết room tín dụng cũ (14%)", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng các con số đều cho thấy các thị trường đang vướng mắc, doanh nghiệp, người dân đang khó khăn. Ông đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp tập trung.
Ông cũng nhấn mạnh việc tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ cương hành chính, công vụ.
"Cần khắc phục một bộ phận lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm khi 'việc của anh đẩy cho người khác, việc cấp dưới đẩy lên cấp trên'. Chúng ta nói thách thức khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thì cần chỉ ra khó khăn là gì để nhận diện", theo Chủ tịch Quốc hội.