Sau năm 2023 chịu hàng loạt khó khăn, thách thức, biến động từ bên ngoài lẫn nội tại, TPHCM cán đích với chỉ số tăng trưởng 5,81%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 7,5-8%.
Thế nhưng, cả hệ thống chính trị và người dân, cộng đồng doanh nghiệp TPHCM đã phải quyết tâm, nỗ lực rất lớn vực dậy, kéo đà tăng trưởng những quý cuối năm để đạt chỉ số ấy. Những cố gắng này càng rõ nét hơn khi nhìn lại thời điểm quý I/2023, địa phương chỉ tăng trưởng 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Trả lời phỏng vấn thời điểm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, thành phố tiếp tục đề ra mức tăng trưởng 7,5-8% trong năm 2024. Đây là mục tiêu rất thách thức đối với TPHCM khi năm 2024 được dự báo còn nhiều biến động khó lường.
"Thành phố đặt ra mục tiêu thách thức như vậy để quyết tâm thực hiện bằng được. Mục tiêu ấy cũng phù hợp với định hướng phát triển trong các Nghị quyết mà Bộ Chính trị đã giao phó", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Gửi gắm thông điệp nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người đứng đầu chính quyền thành phố mong muốn người dân, doanh nghiệp, các cơ quan trong hệ thống chính trị cùng đồng lòng, đoàn kết, năng động, sáng tạo để sẵn sàng tăng tốc. Thành phố chỉ còn một năm để tiến tới đích của nhiệm kỳ trong năm 2025.
Năm 2024, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu cao với chỉ số tăng trưởng 7,5-8%. TPHCM đã có những kế hoạch gì để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng trong một năm được dự báo còn nhiều thách thức?
- Năm 2024, TPHCM đã đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%, đây là một chỉ tiêu rất thách thức. Tuy nhiên, mục tiêu này phù hợp với định hướng phát triển mà Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Thành phố cũng quyết tâm để đạt được mục tiêu tăng trưởng ấy bằng nhiều giải pháp ngay từ đầu năm.
Cụ thể, thành phố đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý. Ngay từ đầu năm, các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng đã được thực hiện. Bên cạnh 3 động lực tăng trưởng cơ bản là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, TPHCM cũng chú ý đến các động lực tăng trưởng mới thông qua việc triển khai Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Địa phương cũng thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới để thu hút đầu tư xã hội vào hạ tầng, khoa học công nghệ, phát triển các ngành đầu tư chiến lược, tiêu dùng theo hình thức mới và hỗ trợ thị trường xuất khẩu.
Thực tế, bằng những biện pháp nói trên, các chỉ số cơ bản của TPHCM đã tăng trong tháng 1. Tôi lấy ví dụ, ngành sản xuất công nghiệp tăng 26,9% so với cùng kỳ; doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 24,4%; xuất nhập khẩu tăng 23,3%; giải ngân đầu tư công cũng tăng gấp 3,2 lần so với tháng 1/2023. Nhờ đó, thành phố thu ngân sách đạt 16,7% kế hoạch năm ngay trong tháng 1.
Năm nay, TPHCM tiếp tục thường xuyên cập nhật các kịch bản tăng trưởng để bổ sung biện pháp, đồng thời xây dựng kịch bản theo tháng đối với một số nội dung trọng tâm. Việc này giúp công tác điều hành sát thực tế hơn.
Ngoài gia cố các động lực tăng trưởng hiện có, địa phương cũng lưu ý đến các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học công nghệ và các ngành, nghề đầu tư chiến lược.
Trong năm 2024, TPHCM tập trung cao độ cho công tác điều hành, cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công vụ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các hoạt động chung nhằm mang đến mức tăng trưởng tốt.
Năm 2023, Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM chính thức có hiệu lực và được kỳ vọng tạo ra sự đột phá về thể chế, giúp địa phương thu hút nguồn lực. Thành phố làm gì để tận dụng tối đa cơ hội từ Nghị quyết 98 trong năm nay?
- Đối với TPHCM, Nghị quyết 98 là một công cụ rất quan trọng để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đầu tư. Hơn nữa, nghị quyết cũng giúp thành phố chủ động giải quyết các thủ tục nhanh hơn, phát huy được thế mạnh của tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ.
Trong đó, thành phố tập trung cho các cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch, đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Đồng thời, các chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng được thực hiện đồng bộ.
Đối với những cơ chế, chính sách khó như TOD (phát triển đô thị theo trục giao thông công cộng) hay thị trường tín chỉ carbon, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế mới. Ngoài ra, thành phố tiếp tục theo đuổi các cơ chế cho Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM hay đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035, các nhiệm vụ phát triển hạ tầng cần huy động nguồn vốn lớn.
Khi nghiên cứu Nghị quyết 98, địa phương vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm. Điều này giúp TPHCM vừa tháo gỡ khó khăn, vừa khơi thông nguồn lực để thúc đẩy phát triển.
Đó là những phần việc trọng tâm liên quan tới Nghị quyết 98 mà TPHCM sẽ tập trung trong năm 2024.
Năm 2024, TPHCM được giao vốn đầu tư công cao kỷ lục. TPHCM sẽ rút ra những kinh nghiệm gì, tập trung vào nội dung quan trọng nào để giải ngân đầu tư công không còn là điểm nghẽn?
- Năm 2024, TPHCM có nhiệm vụ giải ngân 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn (370.000 tỷ đồng). Đây là khối lượng vốn lớn, nhiệm vụ rất nặng nề nhưng nếu làm tốt, đầu tư công sẽ đóng góp lớn cho sự tăng trưởng.
TPHCM đã rất chủ động cho công tác giải ngân đầu tư công năm nay. Đến lúc này, chúng tôi đã có quyết định giao vốn cho tất cả chủ đầu tư, tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tuần lễ đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, thành phố sẽ giao ban đầu tư công lần đầu tiên trong năm để rà soát, cập nhật việc thực hiện các nhiệm vụ.
Với sự chủ động ấy, kết quả giải ngân đầu tư công tháng 1 năm nay đã gấp gần 3,2 lần so với tháng 1/2023.
Qua kinh nghiệm các năm trước, chúng tôi đã xác định được một số vấn đề trong công tác giải ngân đầu tư công. Đầu tiên là chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân tất cả vốn được giao, theo sát từng dự án và báo cáo, phối hợp, tháo gỡ khi có tình huống phát sinh.
Thủ tục cho các dự án đầu tư công phải được rút ngắn so với quy định chung và công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần được tập trung.
Bên cạnh đó, việc điều hành vốn cần theo sát tình hình để điều chỉnh khi cần thiết. Ví dụ, nếu một dự án không kịp thời giải ngân thì phải điều chỉnh. Thành phố đã chuẩn bị các dự án trong trung hạn để kịp thời thay thế, điều chỉnh vốn khi có nhu cầu.
Đó là các biện pháp tổng hợp chúng tôi tập trung ngay từ đầu năm với quyết tâm năm nay, TPHCM giải ngân đạt kết quả cao nhất trong 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao.
Gần đây, lãnh đạo TPHCM nhiều lần nhắc tới việc điều chỉnh tinh thần, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong vấn đề giải ngân đầu tư công. Việc điều chỉnh này sẽ được thực hiện ra sao?
- Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giải ngân đầu tư công năm 2024, chúng tôi đã nói rất nhiều về tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan.
Trước hết, chủ đầu tư phải có trách nhiệm nắm chắc nhiệm vụ, lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện cho từng dự án, từng công trình.
Tiếp theo là các sở, ngành cần có trách nhiệm trong thẩm định các nội dung liên quan, phối hợp giải quyết hồ sơ, thủ tục. Yêu cầu được đặt ra là các dự án đầu tư công cần giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục so với quy định chung.
Cuối cùng là trách nhiệm của các quận, huyện trong giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Địa phương cần nắm được năm nay phải giải phóng bao nhiêu dự án, diện tích, số hộ dân, quỹ nền tái định cư, căn hộ tái định cư. Nếu có vấn đề phát sinh thì quận, huyện cần báo cáo về các tổ công tác để tiện theo dõi.
Chúng tôi đã có quy định rất cụ thể và có quyết định về công tác phối hợp để đánh giá kết quả. Bằng việc giao ban hàng tháng, thành phố sẽ đánh giá được các bên có đảm bảo tiến độ hay không, vướng chỗ nào và trách nhiệm thuộc về ai. Thành phố sẽ xử lý trách nhiệm hàng tháng, hàng quý tùy theo mức độ.
Ngoài Nghị quyết 98, chuyển đổi số cũng được TPHCM nhắc tới trong chủ đề năm 2024. Thành phố quyết tâm đạt mục tiêu này ra sao?
- TPHCM đặt chủ đề công tác năm 2024 là "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội". Trong việc chuyển đổi số, chúng tôi sẽ tập trung cho cả kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.
Với việc đưa vào chủ đề năm, TPHCM quyết tâm tạo ra những bước tiến mới, gây dựng những nền tảng quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Năm 2024, thành phố sẽ tập trung cho phát triển cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng, phát huy cơ sở dữ liệu dân cư của Đề án 06.
Về hạ tầng, TPHCM sẽ tăng cường đầu tư trang, thiết bị cho các cơ quan để đảm bảo sự vận hành thông suốt. Đồng thời, các nền tảng ứng dụng dùng chung toàn thành phố cũng được phát triển đồng bộ.
Năm nay, địa phương sẽ vận hành nền tảng quản trị thực thi của chính quyền thành phố. Một ví dụ là phần mềm Công dân - kênh giao tiếp giữa người dân, cá nhân, tổ chức với chính quyền.
Tiếp theo, thành phố tập trung đào tạo nguồn nhân lực trước mắt, lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội. Song hành với đó là việc nghiên cứu chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho thành phố, phát triển doanh nghiệp chuyển đổi số, mô hình kinh doanh mới, thu hút đầu tư xã hội cho việc chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.
Cuối cùng, chúng tôi phát huy thế mạnh của Trung tâm Chuyển đổi số thành phố vừa thành lập. Đây sẽ công cụ mạnh, giúp cho công cuộc chuyển đổi số được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM, ông đã đề cập tới mục tiêu đến năm 2030, thành phố sẽ giảm 10% phát thải. TPHCM sẽ làm gì để hiện thực hóa điều này?
- Phát triển xanh là xu hướng mà thế giới đang đi và cũng sẽ là điều tất yếu đối với nền kinh tế của Việt Nam và TPHCM. Thực tế từ năm 2020, TPHCM đã ban hành kế hoạch gồm 56 chương trình và 30 dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, hướng đến việc giảm phát thải.
Vừa qua, TPHCM cũng ban hành khung chiến lược về tăng trưởng xanh đến năm 2030. Dự kiến giữa năm 2024, UBND TPHCM sẽ hoàn thiện để trình HĐND thành phố ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh.
Chúng tôi sẽ tập trung vào việc giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông bằng việc khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, chuyển đổi các phương tiện gây ô nhiễm môi trường. Trong sản xuất, thành phố giảm phát thải thông qua việc chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Về hành vi, thành phố sẽ nghiên cứu về xây dựng xanh, du lịch xanh, tiêu dùng xanh. Đồng thời, địa phương cũng hướng đến việc chuyển đổi sang sử dụng các loại năng lượng sạch, tiết kiệm và giải quyết các vấn đề về xử lý nước thải, rác thải, tiết kiệm các nguồn đầu vào cho quá trình sản xuất, sinh hoạt.
Đây là việc rất lớn, cần nhiều thời gian, nguồn lực và tất nhiên cần sự tham gia của cộng đồng người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong muốn, bên cạnh các chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp cũng có sự đầu tư, người dân cũng thay đổi nhận thức, hành vi để cùng chung tay trong quá trình chuyển đổi xanh của thành phố.
TPHCM cũng mong muốn được hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực, giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với cương vị là người đứng đầu chính quyền thành phố, ông gửi gắm gì tới người dân, doanh nghiệp trên địa bàn?
- Năm 2024 là thời điểm TPHCM cần tăng tốc để về đích. Tôi mong muốn bà con nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan trên địa bàn cùng nhau phát huy các kết quả đã đạt được của năm 2023. Thành phố cần sự đoàn kết, năng động, sáng tạo để tập trung triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm.
Thành phố cũng quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024. Điều này sẽ giúp TPHCM tiếp tục phát triển để sẵn sàng về đích năm 2025.
Xin cảm ơn ông.