Chính phủ chốt 'quy định bảng giá đất hàng năm' để sát giá thị trường

Hoài Thu| 26/04/2023 09:39
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Thay vì ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%, Chính phủ chốt phương án ban hành bảng giá đất hàng năm để đảm bảo phù hợp nguyên tắc thị trường.

Điểm mới đáng chú ý này đã được "chốt" trong Tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

Sau quá trình lấy ý kiến nhân dân, rất nhiều nội dung đã được tiếp thu và chỉnh lý trong bản dự thảo mới nhất, dự kiến được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5.

Bảng giá đất hiện hành có hiệu lực đến hết năm 2025

Tài chính đất đai, giá đất là một trong những nội dung rất quan trọng của Dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ chỉnh lý quy định về định giá đất theo hướng "Định giá đất phải bảo đảm phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất".

Chính phủ chốt quy định bảng giá đất hàng năm để sát giá thị trường - 1

Chính phủ đề xuất phương án quy định bảng giá đất hàng năm thay vì 5 năm một lần như hiện hành (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Một điểm mới đáng ghi nhận là lần này, Dự thảo Luật quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Theo phân tích của Chính phủ, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy với việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%, rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Dẫn tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về việc bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Chính phủ cho biết để bảo đảm quy định này có tính khả thi, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025.

Với phương án này, các địa phương có thời gian từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật.

Đồng thời, việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường, theo phương án trong dự thảo Luật được Chính phủ trình lên Quốc hội.

Về quy định bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định cụ thể về việc tái định cư cho người thu hồi đất phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Lần này, các tiêu chí khu tái định cư đã được cụ thể hóa, bao gồm tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông đảm bảo kết nối với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc); hạ tầng xã hội (đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ).

Chính phủ nhấn mạnh định hướng ưu tiên tái định cư tại chỗ, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi.

Ngoài ra, dự thảo Luật lần này quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất gồm: Giao đất, cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại; cơ sở thương mại, dịch vụ; khu vui chơi, giải trí công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị; nhà hàng, khách sạn…

Tránh lạm dụng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất

Với nội dung về thu hồi đất, trưng dụng đất nằm ở Chương VI của dự thảo luật, Chính phủ đã sửa đổi toàn bộ nội dung liên quan đến quy định "thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".

Đây cũng là nội dung nhận được rất nhiều góp ý khi đem ra xin ý kiến nhân dân với định hướng cần quy định rõ tiêu chí để các địa phương dễ áp dụng, tránh lạm dụng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Chính phủ chốt quy định bảng giá đất hàng năm để sát giá thị trường - 2

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Tiếp thu góp ý, dự thảo Luật đã quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, gồm:

- Để thực hiện các công trình công cộng như: Giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin...

- Để xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp như trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, cơ sở y tế, dịch vụ xã hội…

- Để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác như: Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển...

Chương VII dự thảo luật quy định về "Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" đã giảm một điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Đây cũng là nội dung được nhân dân quan tâm, góp ý rất nhiều.

Lần này, Chính phủ đã chỉnh lý theo hướng "Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật".

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; đồng thời được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 247 điều, bổ sung mới 24 điều và bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Dự án luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 vào kỳ họp thứ 5 tới (tháng 5).

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ chốt 'quy định bảng giá đất hàng năm' để sát giá thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO