Bán lẻ xăng dầu khi không có giấy phép, có thể bị phạt đến 30 triệu đồng
Trao đổi với Phóng viên Dân trí, Ts. Ls. Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội cho biết, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Người thực hiện hành vi kinh doanh xăng dầu mà không có giấy phép, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy chỉ có thể bị xử phạt hành chính. Nếu người bán gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì điều kiện bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo Điều 24 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/01/2022. Văn bản này quy định về điều kiện đối với của hàng bán lẻ xăng dầu như sau: "Cửa hàng xăng dầu có đủ các điều kiện dưới đây được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu:
Thuộc sở hữu, đồng sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định này (thương nhân đề nghị cấp phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu). Được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị theo đúng các quy định hiện hành về quy chuẩn, tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ xăng dầu, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đặc điểm của xăng dầu là chất cháy rất dễ bắt lửa, khi cháy thì rất khó kiểm soát ngọn lửa. Ngoài ra, xăng dầu là loại nguyên liệu hóa thạch đặc biệt, là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các phương tiện giao thông hoạt động và cho các máy móc thiết bị vận hành, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội nên đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng trong việc đăng ký kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh. Xăng dầu cũng là hàng hóa thuộc nhóm hàng bình ổn giá nên giá cả xăng dầu sẽ do nhà nước quản lý. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu chỉ được bán hàng hóa theo đơn giá nhà nước quy định".
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp các cá nhân tự mua cây xăng mini hoặc chứa xăng dầu trong các can, bình chứa để bán lẻ tự phát cho người tham gia giao thông. Hoạt động kinh doanh tự phát này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong phòng cháy chữa cháy. Không những vậy, người bán xăng tự phát sẽ bán giá cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng và còn có thể nảy sinh các nguy cơ tiêu cực trong việc cấu kết với các cơ sở bán lẻ để trục lợi.
"Hành vi bán lẻ xăng dầu khi không có giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt hành chính đến 30.000.000 đồng, cụ thể khoản 2 Điều 14 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định: "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Nếu để cháy nổ xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì tổ chức cá nhân kinh doanh xăng dầu không có giấy phép sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy hoặc tội vô ý gây thương tích, vô ý làm chết người tùy vào những tình huống cụ thể', luật sư Cường khẳng định.