Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến tình hình thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.
Qua số liệu tổng hợp của các địa phương có báo cáo cho thấy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022.
Theo đó, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án so với 22 dự án của quý IV/2022 và 39 dự án của quý I/2022. Số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 51 dự án so với 59 dự án của quý IV/2022 và 56 dự án của quý I/2022. Số lượng dự án hoàn thành trong quý là 14 dự án so với 28 dự án của quý IV/2022 và 22 dự án của quý I/2022.
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã nhận được 58 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp và người dân liên quan đến 115 dự án bất động sản, trong đó Novaland có 6 dự án, Tập đoàn Hưng Thịnh có 44 dự án, HUD có 16 dự án.
Tổ công tác đã nghiên cứu, rà soát và xử lý theo thẩm quyền 50 kiến nghị, trong đó đã gửi 48 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố và 2 văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết theo thẩm quyền.
Theo Bộ Xây dựng, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án). Cùng với đó là những khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, quy định về nhà ở, đô thị và xây dựng.
Về những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, theo quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, riêng việc thực hiện những thủ tục này mất thời gian từ 1-2 năm.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Nhà ở, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (tỷ lệ 20% theo quy định của Chính phủ), dẫn đến việc hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập.
Quy định này cũng dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong khi quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.
Đề xuất vẫn áp dụng bảng giá đất hiện hành đến hết năm 2025
Mới đây, Chính phủ đã có tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Quốc hội sau khi tiếp thu hơn 12,1 triệu góp ý của nhân dân về dự luật này.
Một trong những vấn đề được nhân dân tập trung cho ý kiến là tài chính đất đai, giá đất. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ quy định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Bảng giá đất được ban hành hằng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Theo phân tích của Chính phủ, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy với việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%, rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Dẫn tinh thần nghị quyết 18 của Trung ương về việc bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Chính phủ cho biết để bảo đảm quy định này có tính khả thi, dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025.
Với quy định này, các địa phương có thời gian từ khi luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của luật.
Cũng theo tờ trình, việc ban hành bảng giá đất hằng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.