Đặc biệt, trên khu vực lòng hồ, nạn khai thác khoáng sản là sét và cát trái phép đã khiến hồ thủy lợi này thành “hồ chết”.
Đây là công trình kênh xả hồ thủy lợi Biển Lạc, nằm trên địa bàn xã Gia An của huyện Tánh Linh. Theo như biển báo, đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10, năm 2006. Tại kênh xả, nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng.
Còn đây là khu vực lòng hồ thủy lợi Biển Lạc. Trong lòng hồ rộng hàng trăm hecta này, mặt đất bị đào bới nham nhở, biến dạng, hàng loạt những con tàu khai thác cát không tên, không số neo đậu. Lòng hồ được đào đắp, chia thành hàng chục ao, hồ nhỏ, nơi thì khai thác khoáng sản, nơi thì trồng hoa màu, như một hồ không ai quản lý.
Quanh khu vực lòng hồ, hàng chục lò gạch hoạt động, những bãi tập kết đất sét, cát khổng lồ với hàng chục nghìn m3, đổ tràn lan, lấn chiếm ra cả lòng hồ.
Theo lãnh đạo UBND xã Gia An, công trình thủy lợi này hiện chưa mang lại hiệu quả gì cho địa phương. Trên lòng hồ, hiện một số người dân tận dụng để trồng lúa.
Lãnh đạo UBND huyện Tánh Linh thì cho biết, không nắm rõ về dự án thủy lợi này, vì đến nay địa phương chưa nhận được bàn giao. Lãnh đạo huyện cũng thừa nhận, trên khu vực lòng hồ Biển Lạc diễn ra nạn khai thác khoáng sản trái phép trong một thời gian dài. Và đến nay, huyện vẫn chưa đưa ra được giải pháp để xử lý triệt để tình trạng này.
Huyện Tánh Linh và Đức Linh là một trong hai huyện có diện tích đất trồng lúa lớn nhất tỉnh Bình Thuận. Thế nhưng một công trình hồ thủy lợi được đầu tư xây dựng gần 20 năm để chào mừng đại hội đảng lần thứ 10 nhưng lại không phục vụ vào mục đích tưới tiêu nông nghiệp. Liệu đây có phải là một sự lãng phí? Trách nhiệm của địa phương ở đâu khi để hồ thủy lợi thành một “hồ chết” và mặc cho nạn khai thác khoáng sản trái phép? THQHVN sẽ tiếp tục phản ánh và có câu trả lời ở những chương trình tiếp theo.
Văn Lệ - Nguyễn Minh - Đức Hưng