Bình ổn giá: Nhiều doanh nghiệp tham gia kiểu... cho có, người tiêu dùng khó được lợi

22/10/2022 13:46

Đánh giá hiệu quả chương trình bình ổn giá trên địa bàn TP.HCM, cả doanh nghiệp tham gia và Sở Công Thương các địa phương đều kêu khó. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần hạn chế việc doanh nghiệp tham gia bình ổn cho có, không thực chất.

Tại hội thảo “Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM” diễn ra cuối tuần qua, doanh nghiệp và địa phương chia sẻ, ngoài những điểm tích cực đạt được thì hoạt động bình ổn giá cả hàng hóa thị trường còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan, cho hay, theo quy định của chương trình bình ổn, khi giá nguyên liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm từ 5-10% so với thời điểm đăng ký giá liền kề trước, các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, khi điều chỉnh giá, doanh nghiệp cần đăng ký lại với Sở Tài chính và phải được cơ quan này chấp thuận bằng văn bản. Dẫu vậy, một vài thời điểm khi giá nguyên liệu heo hơi có xu hướng tăng cao, Vissan gửi văn bản đề nghị điều chỉnh tăng giá bán nhưng cơ quan chức năng chậm trễ cho áp dụng, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tương tự, đại diện Satra chia sẻ, giá thành nguyên vật liệu sản xuất tăng mạnh, trong khi giá bán ra của hàng hóa bình ổn chỉ được phép điều chỉnh tăng với biên độ thấp. Cùng với đó, đơn vị chịu gánh nặng với chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn giá các mặt hàng không phổ biến nên hiệu quả thấp (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Đại diện Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, khi tham gia chương trình bình ổn giá, giá sản phẩm phải thấp hơn giá thị trường 5% và được Sở Tài chính phê duyệt, nhưng khi các hộ kinh doanh chỉ có điểm bán nhỏ, mua hàng số lượng ít nên khó có nguồn hàng từ nhà sản xuất đảm bảo giá bán ra thấp hơn 5% giá thị trường mà vẫn có lãi.

Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - ông Nguyễn Hữu Dũng - cũng thông tin, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh đầu tư, áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất còn hạn chế, giá thành một số sản phẩm còn cao nên khó tham gia bình ổn giá, chương trình bình ổn thị trường thiếu bền vững.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bình ổn thị trường, ông Yostsawet Srisutiwong, Giám đốc Hành chính - Tài chính MM Mega Market Việt Nam, kiến nghị, cần hạn chế việc doanh nghiệp tham gia bình ổn cho có, không thực chất. Thực tế, một số ít doanh nghiệp tham gia bình ổn những mặt hàng không phổ biến, không phải là mặt hàng chủ lực nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, định hướng thị trường.

Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất một danh sách các sản phẩm thiết yếu thực hiện bình ổn trên cơ sở chọn lọc, tính toán nhu cầu thị trường nhằm cải thiện điểm hạn chế trên.

Cũng theo ông Yostsawet Srisutiwong, rất cần kênh phân phối truyền thống cùng tham gia hoạt động bình ổn thị trường. Với mạng lưới 235 chợ tại TP.HCM cung cấp khoảng 80% lượng hàng hoá lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố, nếu các chợ truyền thống cùng tham gia sẽ tạo bước đột phá cho chương trình bình ổn trong giai đoạn mới.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/binh-on-gia-doanh-nghiep-tham-gia-kieu-cho-co-nguoi-tieu-dung-kho-duoc-loi-2072520.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/binh-on-gia-doanh-nghiep-tham-gia-kieu-cho-co-nguoi-tieu-dung-kho-duoc-loi-2072520.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bình ổn giá: Nhiều doanh nghiệp tham gia kiểu... cho có, người tiêu dùng khó được lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO