Báo động số trẻ em mắc đái tháo đường đang gia tăng

Lệ Hà| 14/11/2023 14:16

Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.

Báo động số trẻ em mắc đái tháo đường đang gia tăng
Bệnh nhi mắc đái tháo đường điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: Đức Vân

Chỉ số đường huyết tăng cao gấp nhiều lần người bình thường

Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi sút cân, khát nước, đi khám phát hiện mắc đái tháo đường. Qua kiểm tra phát hiện chỉ số đường huyết tăng cao 26,1mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường. Sau khi vào viện và được làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, bệnh nhi được điều trị tích cực, bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, tư vấn và điều chỉnh thực hiện chế độ dinh dưỡng.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: Đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường type 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Chính vì điều này, đái tháo đường type 1 thường được gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin.

Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị "đói năng lượng" do không thể tiếp nhận được glucose. Khi lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm.

Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi. Tỉ lệ nam/nữ là tương đương nhau.

Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường.

Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường type 1 rất phức tạp và vẫn còn chưa được hiểu rõ. Đái tháo đường xảy ra do sự kết hợp giữa gene trong cơ thể với một số yếu tố môi trường.

Trẻ em Việt Nam mắc đái tháo đường gia tăng

PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho hay, theo Liên đoàn đái tháo đường quốc tế, số trẻ từ 0 - 19 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 1 là 1.211.900 ca, trong đó mỗi năm có thêm 149.500 ca mắc mới.

"Tại Việt Nam, số liệu tích luỹ đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Số ca mắc mới tăng lên rõ qua các năm"- ông Điển nói và thông tin thêm: Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị cho ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị đái tháo đường tuýp 1, bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác do ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn và tri giác.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chục năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường. Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận. "Mặc dù BHYT hiện chi trả thuốc và vật tư nhưng các bé vẫn phải di chuyển quãng đường xa, ảnh hưởng đến học tập, tạo gánh nặng cho gia đình"- ông Điển nói.

Trước gánh nặng này, Bệnh viện Nhi Trung ương đang triển khai chương trình chăm sóc bệnh đái tháo đường trên trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam (CDiC).

Tại Việt Nam, có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường và còn rất nhiều người trong giai đoạn tiền đái tháo đường nhưng chưa được phát hiện. Đáng báo động là trẻ em mắc đái tháo đường đang gia tăng. Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường (14.11) năm nay, Bộ Y tế kêu gọi người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng bệnh, để ngăn chặn sự gia tăng của căn bệnh nguy hiểm này.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Báo động số trẻ em mắc đái tháo đường đang gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO