Rạng sáng 15/7, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió vùng gần tâm đạt cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 9, duy trì suốt những giờ qua.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày và đêm nay, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng tây bắc, vận tốc 5-10 km/h và khả năng mạnh thành bão.
Rạng sáng 16/7, tâm bão nằm trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 770km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.
Hình thái trên sau đó tăng tốc, đi chếch theo hướng tây tây bắc và mạnh thêm. Rạng sáng 17/7, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu khoảng 450km về phía Đông. Lúc này, cường độ mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12.
Sau thời điểm trên, bão giữ hướng đi và vận tốc, tiếp tục tăng cường độ.
Mô hình dự báo của Hong Kong nhận định sau khi áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão, hình thái này có thể đạt cường độ mạnh nhất 130 km/h, tương đương cấp 12 vào rạng sáng 17/7.
Sau đó, tâm bão vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), giảm sức gió xuống cấp 11 và áp sát vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng.
Ở kịch bản cực đoan hơn, mô hình dự báo của Nhật Bản cho rằng ngày 17/7 là thời điểm bão đạt cường độ mạnh nhất với sức gió lên tới 40m/s, tương đương cấp 13, giật cấp 15.
Cả hai mô hình dự báo trên có cùng nhận định ngày 18/7, bão bắt đầu ảnh hưởng đến thời tiết đất liền miền Bắc với vùng hoàn lưu bao trùm toàn Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), nhận định nếu bão đi chếch chủ yếu theo hướng tây sẽ tác động trực tiếp đến thời tiết đất liền Việt Nam. Hình thái này có thể gây ra đợt mưa rất lớn cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trước mắt trong ngày 15/7, vùng núi và trung du Bắc Bộ xuất hiện mưa dông với lượng 30-60mm, có nơi trên 100mm. Riêng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có lượng mưa dao động 20-40mm. Nắng nóng chấm dứt ở các khu vực trên.
Tương tự, ngày và đêm nay, mưa dông nguy cơ xảy ra ở Tây Nguyên và Nam Bộ với lượng phổ biến 20-50mm, có nơi trên 80mm. Thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và đêm.
Trên biển, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nguy cơ mạnh thành bão, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Sóng cao 3-5m, biển động mạnh.
Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía đông của khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), gió cũng mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sóng cao 3,5-4,5m, biển động mạnh.
Cơ quan khí tượng cảnh báo toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.